On the write, Đi | On the go

Tôi đã có một khoảng khắc như phim cho chính mình.

Xin mở đầu câu chuyện sau bằng 1 cảnh cảm động nhất nhì series Newsroom tôi từng xem.


Newsroom nói về chuyện làm báo trong một đài truyền hình giả tưởng ở Mỹ, nhưng họ dùng rất nhiều sự kiện có thật làm chất liệu. Trong tập ấy, một đội tổ chức sản xuất của đài bị kẹt trên máy bay. Nó đã hạ cánh, do chưa có thang xuống máy bay mà hành khách phải ngồi lại. Ngay khi ấy, Nhà Trắng tuyên bố rằng TT Obama sắp có một bài phát biểu quốc gia. Một sự kiện quan trọng sắp được công bố.

Trước giờ G, cả làng báo nháo nhào lùng sục xem nội dung bài phát biểu ấy là gì. Trên mạng dân chúng truyền tai nhau rằng đó là một sự kiện siêu thê thảm về an ninh. Trong máy bay, đội TCSX kỳ cựu thì như ngồi trên đống lửa. Họ phải đến đài làm tin trời ơi! “Cái cửa sân bay ngay kia rồi, thả cho tao xuống tao cuốc bộ vào cũng được!” một anh producer giãy đành đạch vài chặp với tiếp viên.

Giờ G sắp đến, qua group chat, đội ấy biết được nội dung bài phát biểu đó là gì. Họ chịu không nổi nữa. Tin tức chấn động nhất trong thế hệ này! Vậy mà họ không được tác nghiệp, phải đứng ngoài giương mắt xem. Họ cũng không được phép để lộ tin trong nghề này. Các hành khách khác cũng có điện thoại, có thể rò rỉ lên Twitter. Anh producer lại cự cãi với tiếp viên, bị yêu cầu ngồi xuống. Om sòm. Phi công xuất hiện từ buồng lái.

“Có chuyện gì vậy, thưa ngài?” Phi công hỏi.

Anh producer khựng lại. Anh nhìn logo trên áo phi công, nhận ra rằng đây là hãng United Airlines, chính là hãng bị tấn công trong khủng bố 11/9. Các tiếp viên phía sau ông mặt sầu não. Như là chuẩn bị tưởng niệm. Họ có lẽ đoán rằng tổng thống sắp phải cúi đầu tuyên bố về một vụ khủng bố máy bay nữa. Phi hành đoàn nghĩ mình sắp phải tưởng niệm những đồng nghiệp khác.

Anh producer lúc này đứng thẳng lên. Anh nhận ra những người đáng được nghe tin tức này nhất, đang đứng trước mặt mình. “Thưa ngài, tôi chỉ muốn ngài và phi hành đoàn là những người đầu tiên được biết, rằng tối nay, quân đội của chúng ta đã hạ Bin Laden. For you.”

Không khí căng thẳng cực độ trong khoang xì xuống. Nhẹ nhõm. “We reported the news,” anh producer nói với đồng nghiệp mình.


Trở về Việt Nam. Vì lẽ gì đó, tôi rất hay tham gia làm các câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, về Kháng chiến chống Mỹ. Những trải nghiệm cho phép tôi được nhìn nỗi đau chiến tranh từ rất, rất nhiều phía, dù chưa thể là mọi phía. Tất cả những gì đọc được trong sách, trên báo, trong truyện – tôi nhận ra – dù cảm động sầu bi đến đâu, đều là nói giảm nói tránh so với thứ đại chấn động mà cuộc chiến đó giáng xuống hàng triệu con người. Trong và sau nó.

Gần 2 tháng trước, tôi đọc tin về nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất, về hành trình tìm chủ nhân của nó. Tôi đã nghĩ, damn, giá mà mình được tham gia vào câu chuyện này. Hiếm có dịp nào công chúng được xem cuộc chiến theo cách người như vậy. Không chỉ những bóng người cầm súng, “bộ đội” hiện ra, thích thơ ca, sáng tạo, bay bổng – nhìn cách người viết chép thơ là biết. Lúc nào đó giữa các trận bắn giết, họ ngồi nắn nót làm thơ, họ tô viền màu cho nét bút. Họ giống như tôi khi còn viết tự bạch, khi còn chép lời tình ca trong một cuốn sổ đẹp đẽ nâng niu.

“Giặc Mỹ” cũng yêu thơ ca. Giặc Mỹ nhặt được cuốn nhật ký, cóc hiểu nó viết gì, nhưng nó đẹp đến nao lòng, giặc cất lén cấp trên, nhét túi, nâng niu nó sáu thập kỷ. Như chính tác giả đã-nằm-xuống của nó có lẽ sẽ làm vậy.

Cuốn nhật ký thành một mảnh tâm hồn mà hai kẻ thù khác chiến tuyến cùng chia.

Như có ai nghe lời khấn, vài ngày sau tôi nhận được thông tin có người muốn tìm phóng viên ở Việt Nam đi theo chân chính cựu binh Mỹ này, Peter Matthews, đem trả cuốn sách cho gia đình. Họ hỏi tôi làm không? Tôi nổi da gà. Tất nhiên, đồng ý.

Quê của liệt sĩ Tuất đẹp đến nỗi, tôi lầm bầm trên xe rằng thế này thì ai có thể không thương nhớ đây? Ở đó có rừng thâm, sông yên, sóng lặng, sương phủ ngôi làng ngủ thiu thiu giữa trưa.

Chuyến đi vài ngày đó là một cuộc phiêu lưu. Đã có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì những ngăn trở vốn-đã-lường-trước. Nhưng như là có người chỉ đường, tôi được đến đúng nơi tôi cần đến, nói chuyện với đúng người cần tìm. Mỗi khi gặp khó khăn, luôn có những quý nhân đứng ra giúp đỡ.

Tôi đã nghĩ cố rằng, phải kể cho độc giả, đến từ bất cứ đâu, biết những con người trong câu chuyện này. Dưới mọi lớp hào quang của hy sinh cao cả, họ là tim, là gan, là ruột, là nước mắt. Họ là con mẹ, họ là con cha, họ là người cậu thích cõng cháu đi chơi, họ là người chồng cũ say xỉn bệ rạc do ám ảnh hậu chiến. Họ là người yêu không giữ lời hứa. Họ là cô em gái yêu ca múa, và thương nhớ anh trai mình đến phút cuối.

Peter biết tôi làm cho tờ báo đầu tiên đưa tin về ông trên đất Mỹ. Nhờ bài báo ấy mà báo chí Việt Nam và chính quyền Hà Tĩnh vào cuộc, tìm cho cuốn nhật ký về đúng chủ nhân của nó. Với vẻ biết ơn với tờ North Jersey, ông luôn cố gắng giữ cho tôi đồng hành. Mắt ông sáng lên khi thấy tôi đứng giữa những phóng viên. “Cô ấy là người kể chuyện cho phía bên Mỹ của tôi nghe,” Peter trình bày với đội đón tiếp ông ở Hà Tĩnh, “tôi cần cô ấy vì tôi muốn người Mỹ cũng biết câu chuyện này.” Nhưng vì là nhân vật chính, Peter bận rộn với hàng chục cuộc gặp gỡ, tôi còn không hẹn được ông phỏng vấn 15p ở sảnh khách sạn.

Cuối cùng, vài ngày sau lễ trao trả nhật ký, Peter và vợ ông Christine hẹn tôi gặp ở TPHCM. Chúng tôi thống nhất rằng đây không phải là cuộc gặp cho công việc: tôi đã làm xong nhiệm vụ với North Jersey/USAToday, ông bà gần 80 tuổi cũng quá mệt với tầng lớp các buổi phỏng vấn và ghi hình. Tôi đưa ông bà đi một vòng thành phố, ăn mấy món nướng trong quán, uống chút cà phê.

Ngay khi lên taxi bắt đầu buổi chiều dạo chơi, Peter bỗng nói rằng dù rất nhẹ nhõm, nhưng ông lấn cấn một điều duy nhất: ông bà vẫn chẳng biết gì nhiều về liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cả! “Tôi chỉ kịp cầm tay hai người chị và người cháu. Tôi muốn nói nhiều, muốn hỏi nhiều, nhưng không kịp.”

Tôi đơ người. Hoá ra mấy ngày lễ lạt rùm beng, ai cũng hối hả đưa các “nhân vật” đi vào đủ mọi khung hình cho câu chuyện. (Thú thực là cả tôi.) Nhưng quên để họ lại vài phút lặng yên cùng nhau.

Chính tôi với bao câu tự hô hào rất kêu trong đầu mình, cũng quên mất rằng đây là những cuộc đời. Họ là những cuộc đời, rất, rất lâu trước khi họ là những câu chuyện. Với chúng tôi đó là phỏng vấn. Với họ đó là sống.

Thế là, tôi nhận ra khoảng khắc Newsroom của chính mình. Tôi ngồi trong quán nước, lôi ra nội dung mình kịp phỏng vấn gia đình liệt sĩ Tuất trước đó đã gửi cho biên tập. Đọc dõng dạc.

Người cựu binh và vợ nhoài người về phía trước, lắng nghe chăm chú về cuộc đời của liệt sĩ, về những mảnh ký ức trong đầu người còn sống. Về cảm xúc của gia đình đối với Peter và việc ông giữ cuốn nhật ký (Peter vẫn rất áy náy vì giữ nó quá lâu), được chú Mỳ kể chân thành và khảng khái ngay trong sân nhà ở thôn Cao Thắng, sau khi mới gánh cỏ về, thay vì trên sân khấu, trong bộ comple.

Peter lau nước mắt, Christine cũng rưng rưng. Họ cuối cùng cũng được nghe (dù chỉ phần nhỏ) về con người phía sau những nét vẽ uốn lượn đủ màu mà họ mân mê nhiều thập kỷ. Họ được nghe bài thơ anh viết cho mẹ đêm giao thừa năm 1966, vài tháng trước khi mất. Họ nghe người cháu gọi liệt sĩ bằng cậu cám ơn họ, gia đình nay đã có di vật để khấn vái, thắp hương cho người liệt sĩ mấy mươi năm bàn thờ trống hoác, một tấm hình cũng không.

I reported the news, guys. Đến những đôi tai cần được nghe nó nhất.

Peter tóc bạc, mũi đỏ hoe, thở phào. Tôi lúc đó mới hiểu ra, cuốn nhật ký của liệt sĩ Tuất cũng là nhật ký của Peter. Nó cũng ghi lại tâm tư, tính cách, linh hồn, con người của cựu binh ấy, dù không bằng nét mực. Liệt sĩ Tuất mất cùng khoảng thời gian Peter tìm được cuốn sổ. Nhưng những chương tiếp theo vẫn được viết tiếp, bên ngoài trang giấy. Của hai cuộc đời.

Tôi luôn nghĩ mỗi người bị mắc kẹt trong sinh thời của mình. Trong mảnh thời gian và lớp không gian mà họ được tồn tại. Trải nghiệm này, bằng cách nào đó, cho tôi phút thoát ra ngắn ngủi cái sinh thời của chính mình.

Tôi cô đặc thứ tôi nghĩ bằng lời thoại trong bộ phim khoa học vũ trụ Interstellar. Nhưng tôi tin chủ ngữ của nó là cái gì đó lớn hơn cả “Love”.

Love is the one thing we’re capable of perceiving that transcends dimensions of time and space. Maybe we should trust that, even if we can’t understand it.”

Đây là ghi chép của tôi sau chuyến đi, từ một tháng trước. Hôm nay bài viết đã lên.

https://www.usatoday.com/story/news/nation/2023/03/28/us-veteran-finds-vietnamese-soldiers-diary-delivers-home/11529802002/

Advertisement
Standard
Đi | On the go

Tromsø ngày 2: Sara và Đảng Đỏ Na Uy

Phải thú thực rằng Tromso là thành phố tôi chọn bừa. Tôi và bạn lên kế hoạch đi săn Cực Quang, và ở đây là một trong hai chỗ dễ gặp nhất cuối tháng Mười, bạn của bạn tôi bảo vậy. Tôi nhòm bản đồ 3 giây, thấy nó bắc nhất nên đặt tiền, chọn cửa, đánh cược. Cuối cùng bạn cáo bệnh, mặc tôi một mình viễn chinh.

Ngay đêm đầu tiên tôi đã gặp thứ mình muốn. Ngày hai trời lại lạnh tê tái, nên tôi chẳng định đi đâu, ở nhà vùi ngày vào vùng núi tuyết phủ suối chảy bên tai này chẳng sướng hơn?


Nhưng thật may là tôi đã lật đổ được cơn chần chừ ấy, đùm đề người cho ấm, vào trung tâm thành phố.

OK, stop being so cute.

Bến xe buýt cách nhà mười mấy bước chân, cũng là tuyến xe duy nhất ở vùng vắng vẻ, ngày chạy duy 3 cữ. Tôi lo lỡ xe, đến sớm, đợi gần 40 phút dưới mưa. Nhưng có hề gì, khi xung quanh là cảnh đẹp ngần này. Đây – tôi đã bầu chọn – là top địa điểm tuyệt vời nhất để chờ xe tới trễ. Thêm nữa là hôm nay, dưới 3 lớp quần, 4 lớp áo và 3 lớp tất, tôi vô song trong thời tiết căm căm này. “Bring it on!” tôi đã ngửa mặt hô giữa trời đất.

Anh Carl đêm đón tôi đã câu dẫn rằng đường đi ban ngày đẹp lắm, và Chúa ơi, anh quả là nói giảm nói tránh! Đường tôi đi là dãy núi bạc đầu đứng bên khoanh biển trong vịnh – mặt nước lặng sóng và trong suốt, và quây dưới chân núi là lấm tấm những ngôi nhà đỏ vàng, tuyết phủ trắng mái. Đỉnh núi hớp được chút nắng, hơi ửng hồng, nằm đắp lớp mây xám lập lờ. Thứ cảnh đẹp xoa dịu và vỗ về đến rưng rưng.

Ở xa trung tâm cũng có cái bất lợi, khi mà mọi tour đi tàu tham quan vịnh và xem cá voi đều ngoài tầm với: chúng xuất phát quá sớm so với chuyến xe buýt đầu ngày. Nhưng tôi a-quy, an ủi rằng vịnh thì Việt Nam quê ta đầy. Mà mấy trò chó kéo xe tuyết với cho tuần lộc ăn thì có nhẽ hơi ngược đãi động vật (cảnh đàn husky phải kéo tôi quả sẽ là nỗi đau cho bọn kéo, bọn ngồi và cả bọn chứng kiến). Tôi đi xem phố xá thôi là được. 

Điểm đến đầu tiên, tất nhiên, là quán cà phê ấm cúng mà cô Karen ở Rome đã bỏ nhỏ chỉ đường. Tôi uống thứ cà phê cortado đắng sánh mịn dịu dàng, đầu đặt mục tiêu hôm nay chủ đề là văn hoá địa phương. (Chỗ ở đã bao trọn theme thiên nhiên rồi còn gì.)

Tôi mua một “tour” đi bộ, hướng dẫn qua điện thoại, và bắt đầu chuyến đi 30 phút nho nhỏ của mình.

Rút cục, nó kéo dài thành 3 tiếng. Tromso được những nhà bán tour du lịch gọi là “Paris của phương Bắc”. (Sự tích cái tên này là một câu chuyện kềnh càng và khệnh khạng, nhưng đại loại những du khách đời đầu đánh giá rằng dân địa phương ở đây có gì đó “sophisticated”/(tinh tế?) hơn những đồng bào phía nam.) Khắp nơi dựng tượng treo ảnh nhà thám hiểm Roald Amundsen, kẻ đào ngũ ngành y để thành người hùng tiên phong khám phá Bắc Cực. Cuộc đời ông có cái kết không thể cảm động hơn, khi ông xung phong đi tìm và giải cứu bằng hữu mất tích của mình, và chính chiếc máy bay chở ông cùng phi hành đoàn cũng mất dấu vào một ngày tháng Sáu gần 100 năm trước.

Chuyến đi văn hoá – lịch sử mới nhú, bỗng đứt đoạn. Giữa đường, một cửa hàng đồ vintage hiện ra ngay góc công viên, tôi không cầm lòng được, đẩy cửa leng keng bước vào. Thơ thẩn đến hơn nửa tiếng, ngay khi đang ngắm nghía một tấm trải bàn ren móc, tôi ngẩng đầu để gặp màn tuyết rơi đầu tiên. Lần đầu được thấy tuyết rơi (bố tôi bảo bông bông thế là tuyết non), tôi lập tức trả tiền, ra phố. Hạ cây dù hình reindeer xuống, tôi ngơ ngơ nhìn ngắm trời tuyết thả nhẹ tênh, cười như con điên giữa công viên trụi lá.

couldn’t ask for a better view.

Trở về với cái audio tour, nó nãy giờ đã nóng lòng beep beep giục tôi đi tiếp (“hình như bạn đang lạc đường?”).

Và vừa ngoặt qua ngã tư, tôi tình cờ diện kiến Sara Fabricius/Cora Sandel. Triển lãm về bà trưng trước cửa một bức ảnh đen trắng, chụp bà đang ngồi vắt vẻo trên một cáp treo thô sơ cắt ngang rừng Tromso, thế thôi đã đủ khiến tò mò dấy lên. Một họa sĩ-nhà văn trứ danh người Na Uy, người phụ nữ đi trước thời đại, đến nỗi nó trở thành những nốt nhạc vừa véo von vừa sầu bi của cuộc đời bà. “Từ đầu, tôi chỉ muốn nhảy múa mà thôi,” câu nói của bà được in tên tường lối ra vào. Tôi cũng vậy, Sara ạ, tôi cũng vậy.

From the beginning I wanted to dance.”

Sara Cecilia Görvell Fabricius

Ngôi nhà cũ của bà, được hậu thế trưng dụng thành một bảo tàng, đặt tên đầy lộ ý là Perspective Museum.

Tầng một dành cho triển lãm ảnh đương đại. Lúc này đang là bộ ảnh về những người sống ở vùng hẻo lánh nhất của hẻo lánh: Bắc Cực. Được chụp kỹ là nhân vật người theo dõi khí tượng lẻ loi cô đơn giữa băng tuyết, gợi nhớ đến Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Chàng thanh niên hai mấy tuổi trên đỉnh Yên Sơn năm nao phải trao lại giải người “cô độc nhất thế gian” cho phiên bản bạc đầu này đi thôi.

Tầng 2 là cuộc sống của Sara. Nó thật đến nỗi tôi đứng khóc giữa bảo tàng. Những lời bà ấy nói vào tai tôi cũng vậy. (Không hồn ma nào hiện ra ở đây, chỉ là feature quét QR nghe đọc thư qua điện thoại của triển lãm.) Lịch sử trong con mắt của một người phụ nữ luôn có cách để chạm cắt vào hiện tại.

“I had a language once,” she wrote, “I worked with it until it became like a knife in my hand. With it, I could pin down thoughts, hold them fast.”

Tôi ngắm những bức tranh bà ấy vẽ trước khi buông cọ cầm bút, cái bàn bà ngồi, bộ tách trà, máy đánh chữ và chiếc chăn, tấm đệm bà ấy nằm. Có lẽ tôi đã có thể viết – dù không đẹp bằng – những bức thư bà ấy viết. Có lẽ tôi sẽ cùng than vãn những thứ bà ấy mắc kẹt. 

Chúng tôi cùng nhìn ngắm nhau gần một tiếng, rồi chia tay crush mới quen Sara, tôi đi nốt phần còn lại của chuyến tham quan quanh phố. Xe buýt cuối cùng chỉ nửa tiếng nữa thôi là rời bến.

Sara’s paintings and an intrusive object.

Và ngay khi tôi nghĩ rằng thế là hết một ngày, thì ở bến xe, tôi hỏi đường trúng một cậu bạn trẻ, sinh viên đại học chuyên ngành Tôn giáo ở Tromso, là hậu duệ của một nhóm dân tộc bản địa, cũng là thành viên của đảng Đỏ Na Uy. Bạn ấy viết luận văn về tự do tôn giáo ở Trung Quốc, phỏng vấn một người Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn ở phố nhỏ xa xôi phía bắc này. Nhân vật ấy đã bị sang chấn nặng nề đến mức, chỉ cần nhắc từ “đồng chí” là ông ấy lập tức bị triggered.

Cậu bạn trò chuyện suốt 40 phút trên xe buýt – về lịch sử Đảng Cộng sản Na Uy và các biến thể, về phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam – mà cậu gọi là cuộc xâm lược Việt Nam, về quá khứ phân biệt chủng tộc của Na Uy mà cha cậu ấy là nạn nhân. Cậu ấy nói chính quá khứ này là nguồn cảm hứng cho các hành động của Đức Quốc xã trong Thế chiến 2 và những vụ xả súng hàng loạt gần đây, kể cả vụ ở tận New Zealand.

Hàm dưới của tôi rơi xuống sàn xe buýt cả chuyến đi.

Giống như tôi vừa được giải phóng khỏi cảm giác ngứa ngáy cả ngày hôm nay, khi nghĩ rằng mình mới đang chấm mút chút bề mặt của Tromso mà thôi. Tất nhiên chẳng ai có thể trở thành chuyên gia xứ sở này chỉ sau một cuộc nói chuyện, nhưng được xem đôi ba mạch chảy luồn sâu trong những thớ xã hội của nó, mà cậu bạn này chỉ cho, thật là bất ngờ quý giá.

Đã thế, lại thêm bác lái xe buýt tử tế. Tóc bạc, nói tiếng Anh mạch lạc, bác không nỡ thả tôi ở bến xe giữa trời tuyết già nặng hạt. “Cô cứ chỉ nhà nào tôi dừng ở cửa cho.” Và bác dừng ở lối lên Nhà Gỗ cho tôi thật, còn hỏi lại rằng cô có chắc là nó không? Tôi xuống xe, cám ơn rối rít, rồi trèo lên dốc phủ tuyết, không quên trượt té vài phát trước khi bước vào nhà.

Phải thú thực rằng, Tromso là thành phố tôi chọn bừa. Không kế hoạch cụ thể ở đây. Nhưng tôi biết ơn Tromso đã không để bụng tôi vô tâm nông cạn, khoe cho đủ thứ. Lôi tôi khỏi vùng an toàn. Tặng tôi những điều tôi còn không biết là mình kỳ vọng. Sự hào hiệp này ấm bụng như ly cortado lúc đầu ngày ngái ngủ.

Standard
Đi | On the go

Tromso

TROMSO

Tôi bắt chuyến bay khuya đến Tromso. Sau màn chạy mướt mát mồ hôi ở sân bay Oslo, cuối cùng đứa đễnh đãng chủ quan này cũng ngồi ngoan và run trên chim sắt đến hơn 11h, để thấy Tromso hiện ra dưới chân.

Cả thành phố sáng rực như trong những tấm postcard Giáng Sinh. Nhà Airbnb tôi thuê ở tút trong núi, cách sân bay cả giờ chạy xe. Con Đỗ Nghèo Khỉ đành bấm bụng cho chuyến xe gần 2 triệu chỉ để đến đó.

Anh Carl lái xe đón tôi học thạc sỹ lịch sử ở Tromso. Lịch sử Na Uy và lịch sử vùng Scandinavia. Cả quãng đường anh chỉ ngang dọc. Rằng Tromso là nơi gần Bắc Cực đông dân nhất. Nước ở đây sạch nhất trên thế giới. Ban đầu nó là điểm dừng chân của các nhà thám hiểm Bắc Cực, sau lan thành làng chài, dân đánh bắt cá sông hơn là cá biển. Chỗ này cá voi thích vào lắm.

Tôi hỏi anh Carl khung giờ nào sẽ đón được cực quang và anh nói rằng khung giờ May mắn :))

Trời Tromso mây tuyết mấy hôm nay. Lại thêm cực quang thường chỉ xuất hiện vài phút, chưa “vào mùa”.

Nhưng từ khi tôi đáp xuống, cả bầu trời đã trong vắt đầy sao, (mà tôi đã lầm tưởng là đèn trên núi). Anh ngó nghiêng, bỗng nói có khi hôm nay sẽ có.

Thế là tôi vừa vểnh tai nghe anh kể đủ thứ chuyện, nhưng mắt dán ra ngoài đợi phép màu.

Và phép màu đã xuất hiện.

Ban đầu ở hình hài những vệt ánh sáng dài, màu trắng ngỡ như vệt sương. Rồi từ từ ánh lên dần màu xanh ma mị. Tôi reo váng lên. Xe cũng vừa tới nơi.

Và chân tôi lần đầu chạm vào tuyết, và đầu tôi lần đầu đội cực quang!

Những dải sáng dài, chảy dọc bầu trời, uốn lượn nhảy múa. Tuyết trên núi phản chiếu, xanh rực theo. Anh Carl tắt máy, xuống xe cũng trầm trồ. Cả hai ngây người, nghểnh mặt một hồi. Người chúng tôi như được trùm màu xanh đó.

Trong phút giây, tôi đã nghĩ thiên thần có thật.

Ảnh: Lại phải chôm trên Pixabay. Tội của ai phỏn.

Standard
On the write

Stereotypes | Khuôn Mẫu Giới – Vũ khí của phụ nữ trong phim ảnh

(có hàm ý spoil, proceed at your own risk)

Hai bộ phim điện ảnh về phụ nữ gần với thực tế gần đây nhất mình từng xem là Promising Young Woman và Gone Girl.

Đây là 2 bộ phim về báo thù, dòng phim mà các đạo diện Hollywood thích cho phụ nữ đóng vai chính, nhưng không đủ kiên nhẫn quan sát nữ giới nên chỉ dùng phụ nữ ngoài vỏ, còn lại nhồi bông cho họ cá tính của nam.

Từ trước đến nay, trong fiction, phụ nữ khi muốn trả thù thì đa số đều phải viện đến bạo lực vốn-thường-thấy-ở-đàn-ông: súng của Lady Vengeance và kiếm của Kill Bill, đánh đấm súng ống đủ cả của Peppermint, Enough. Trong những bộ phim ấy, nữ chính chỉ được tin là có năng lực khi cô ấy trở nên đàn ông hơn, nhất là về mặt thể chất. Nhưng nếu tỉnh táo, và có logic, thì đây là cuộc chiến họ đã thua từ đầu, phỏng? Sao cô có thể đánh bại anh ta, khi cô không được dùng thế mạnh của mình làm vũ khí, mà phải thể hiện mình “đàn-ông” hơn anh ta, chơi thắng anh ta bằng cái luật chơi mà các-anh-ta tạo dựng?

Nhưng ở 2 phim này – nhất là Promising Young Woman, thì khác, nữ chính dùng chính cái tính nữ của mình để hành động. Thật dễ cho Cass khi chỉ cần chui vào cái lốt sexy mỹ miều yếu đuối dễ tổn thương ngơ ngác mà xã hội treo sẵn trên giá, là có thể dụ và khiến những tay thủ phạm tình dục sống không yên thân. Cái vũ khí này vừa sức và thuyết phục hơn. Binh pháp này có khiến Cass toàn thắng không thì lại là một câu chuyện khác về tính chân thực của bộ phim.

“Stars Are Blind”

Còn Gone Girl, nó là một cú tát vào lối làm phim đàn-ông xáo rỗng của Hollywood. Phim dành đến một nửa đầu phim để bắt chước và mỉa mai, cười nhạo, bêu đầu trước thiên hạ cái kịch bản cũ mèm của phim báo thù của những đạo diễn nam: Nick là đại diện cho tất cả những đàn ông trong phim âm mưu rùng rợn, luôn không hiểu tại sao mọi chuyện tồi tệ này lại đến với người mẫu mực như mình, kẻ xấu là ai đó ngoài kia, muốn hại nhà mình và cô vợ Barbie.

Cho đến khi màn lật mặt diễn ra. Nhưng ở đây, Amy lại không phải là một nhân vật một chiều. Và ngạc nhiên chưa, Nick cũng không phải nam chính đơn sắc. Nửa sau đó là màn khiêu vũ qua lại giữa hai bên. Cả hai là một bồ của những âm mưu – tức là, eerily, mặt trí tuệ, và của tính cách – tức là, comfortingly, mặt con người. Và cả bộ phim, họ đều đóng vai một hình mẫu nào đó.

Stereotypes/Những khuôn mẫu mà xã hội choàng lên cho nhân loại được hai người vận lên người như một bộ giáp. Nhưng đến cuối phim, trong vai gia đình hạnh phúc, thì rõ ràng chỉ có Amy biết dùng bộ giáp ấy. Còn Nick, đến khi đó, nó bắt đầu thành cái cùm.

Câu chuyện nguồn gốc của Gone Girl cũng là một câu chuyện thú vị để tìm đọc. Các biên kịch và đạo diễn nữ luôn có khả năng sản sinh ra nhân vật và câu chuyện lớp lang hơn và sâu sắc và phức tạp hơn về cảm xúc. Cho những thứ ấy tương tác xúc tủa với nhau, bộ phim mới nhức não và kinh ngạc được.

Hai bộ phim này đại diện cho một giai đoạn gần đây nhất của đấu tranh nữ quyền trong văn hoá đại chúng. Không buồn phải khẳng định rằng phụ nữ cũng có thể thành công nếu họ chịu “dấn thân” (LEAN IN), chịu “như đàn ông” hơn, giờ đây phụ nữ trong phim ảnh tự lấy chính những thứ từ lâu hành hạ họ, xoay chiều mũi dao, và biến nó thành vũ khí.

Đây hiển nhiên là một giải pháp không dùng được cho số đông, như phim Cô gái trẻ triển vọng đã cho thấy. Nó cũng không phải là giải pháp tối ưu và bền vững để dỡ bỏ cái lồng kính dung thứ cho những hành vi xâm hại phụ nữ. Như trong phim và ngoài đời đã có thấy. Đây có lẽ giống một cú gõ cửa hơn, cho thời kỳ mới, với những bộ phim cầu kỳ hơn sắp được hiện hình trên màn ảnh.

Cho nhân loại, bài học có lẽ là stereotypes might kill you. Proceed at your own risk

Not all men? Well, not all women.

Standard
Things I set Only Me on Facebook

Ký ức ảo

Hôm lâu mình đi lạc vào một đoạn đường chạy tít tắp hai hàng bụi mẫu đơn hai bên, dưới lề thảm hoa vàng mọc tràn. Tự nhiên mình thấy nhớ những con đường ở Devon, Anh. Chưa, mình chưa đặt chân đến Anh – hay tây nam quần đảo ấy. Cũng không chiêm bao ước ao gì cháy bỏng. Chỉ là đoạn đường mẫu đơn trước mắt giống một khung cảnh thám tử Poirot nhớ lại trong cuốn “Đêm tiệc Hallowe’en”. Ông ấy kể từng lái xe chạy giữa “tiên khách lai mọc dại mùa xuân và hoa nghệ tây vào mùa thu”. Lúc dịch sang tiếng Việt, mình đã tưởng được ngồi ghế bên, cho gió xỉa tóc nhột mặt và kéo vài sợi hương anh thảo (chắc là) ngòn ngọt lọt qua viền mũi.


Mình ít khi dịch văn học, thường quen tay dịch những bài non-fiction theo ưa thích cá nhân hơn. Nhưng những cơn vật lộn tìm câu chữ hợp cảnh hợp ý tác giả fiction đã nhiều lần khiến cảnh vật trong câu chuyện cứa qua hộp sọ mình, tạo những rãnh ký ức ảo mà lưu giữ cực kỳ lâu.


Dịch xong cuốn “Bay bằng đôi cánh gãy”, mình đã đi sắm một chiếc nón bảo hiểm kiểu phi công có kính. Tất nhiên không phải để đội rồi lao viu viu như lái máy bay trên phố (không cần cái nón ấy mới lao), hay không phải để niệm mặc gì về Hoàng tử bé (chưa đọc), mà chính là để tự phỉnh mình rằng Nhung cũng có kỷ niệm với tụi Willem, cũng đã có thời cùng chúng nó làm những trò rồ phá làng phá xóm (hay chữa làng chữa xóm?).


Tất nhiên nữa, mọi cảm xúc này đều không làm bảo chứng rằng mình là một người dịch văn học hay. Kỳ thực, các biên tập làm cùng cũng vất vả sửa chữa chữ của Nhung chả kém lúc Nhung kỳ cọc nặn óc gõ ra chúng. Nhưng dịch văn học là một quãng trải và nghiệm tuyệt vời. Không chỉ gieo trồng vào đầu mình thứ tình yêu mới mẻ dành cho câu chữ tiếng Việt, nó còn trao cho mình cái may mắn được thấm lấy ký ức và cuộc sống của nhiều nhân vật – và đằng sau là của tác giả, để bầu không khí những nhân vật ấy bước đi bên trong cũng toả ra, bủa vây lấy những người đọc về họ ở phía bán cầu còn lại.


Gần một năm sau khi dịch xong “Bay…”, lâu lâu mình vẫn tự hỏi không biết bây giờ Sasha đang làm gì rồi, thằng Finn đi đâu, Willem còn ở Beckham không. Cái cuốn fiction về tụi tuổi teen ngáo ngơ ấy từng khiến mình vừa gõ chữ vừa rớt nước mắt đọp đọp trong đêm khuya lạnh giữa núi đồi Thái Lan, khi dịch những trang cuối cùng.


Chúng nó như một lũ bạn cũ, nhà ở trong sách, hết chương cuối rồi thì cũng không nhận được thêm tin tức gì về nhau nữa.
_(một chiếc note cổ)

Standard
Translation

Biên giới tồn tại của chúng ta: kiến trúc xã hội dưới góc nhìn của một nhà vật lý hạt

TÁC GIẢ: Yangyang Cheng

Ngày 7 tháng 12 năm 2020

BÀI GỐC: The edge of our existence: A particle physicist examines the architecture of society


Người share link: Lam
Nhung Nhung dịch (tạm)


Tôi lớn lên phía sau bức tường. Trường đại học mà bố mẹ tôi từng công tác, giống như hầu hết các trường đại học khác ở Trung Quốc, có khuôn viên nằm biệt lập trong dải gạch và bê tông cao hai mét. Trường có 4 cổng ra vào. Cổng Bắc là lâu đời nhất. Cổng Tây là cổng lớn nhất. Cổng Nam khiêm nhường đứng trong một góc. Cổng phía Đông là cổng gần căn hộ của chúng tôi nhất.

Bức tường với những cánh cổng có gác bảo vệ đã chia thế giới của tôi thành hai phần: hiệu nội, bên trong trường và hiệu ngoại, bên ngoài trường. Lối phân chia này không chỉ áp dụng cho các tòa nhà và đường xá, mà còn cho cả con người. Tôi có những người bạn hiệu nội, nghĩa là gia đình của họ giống như gia đình tôi, và hiệu ngoại, hàm ý luôn mang một chút hạ cố. Nếu một đứa trẻ hiệu ngoại vô tình mắc lỗi hoặc có điểm kém trong một kỳ thi, thân phận sống ngoài trường của họ trở thành lời giải thích hiển nhiên.

Một buổi chiều mùa hè ở trường cấp hai, tôi mạo hiểm ra cổng phía đông để ăn kem và phát hiện trên tường mới lắp một vật lạ, một hộp kim loại có in dòng chữ “máy phân phối bao cao su” ở hông. Với một khe hẹp ở phía dưới, chiếc máy giống như một hộp thư. Suốt một thời gian dài sau đó, tôi vẫn nghĩ bao cao su được làm bằng giấy, giống như những chiếc phong bì nhỏ.

Mẹ tôi đã vô cùng kinh ngạc khi tôi kể về khám phá của mình. Bà hỏi cái hộp được gắn ở phía nào của bức tường. Mặt bên ngoài, tôi nói. Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm. Cỗ máy tai tiếng thuộc về hiệu ngoại , như một cáo trạng nữa về cái thế giới đầy rẫy những tệ nạn mà bà luôn cố gắng hết sức để giữ tôi tránh xa.

Rồi tôi đã đặt mục tiêu vào các chương trình sau đại học ở Hoa Kỳ, nơi học bổng toàn phần học phí trong ngành khoa học sẽ là tấm vé giúp tôi rời Trung Quốc. Mẹ tôi hy vọng tôi sẽ chọn một nghề “nữ tính” hơn, như dạy tiếng Anh ở một trường học địa phương. Tuy nhiên, bà rất chú ý đến hình ảnh của các trường đại học Mỹ mỗi khi chúng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Hình ảnh khu học xá của họ khiến bà bối rối: Không thấy tường đâu cả

Thế tức là ở đó không thể an toàn, mẹ tôi nói. Bà cho rằng lối thiết kế khiếm khuyết này xuất phát từ thái độ buông thả của người Mỹ. Có lẽ, bà lý luận, ở một đất nước giàu có, phát triển như Hoa Kỳ, ai cũng có thể học đại học.

Tôi nói, một học viện không có tường tượng trưng cho tinh thần học hỏi cởi mở. Tôi căm ghét những bức tường. Với tôi ở tuổi trưởng thành, chúng tượng trưng cho những cấm đoán trong một xã hội độc tài. Tôi nôn nóng để bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước tự do.

Máy bay của tôi hạ cánh tại O’Hare vào ngày 22 tháng 8 năm 2009. Một sinh viên Trung Quốc, học trước tôi vài năm, đã đón tôi tại sân bay. Khi chúng tôi lái xe đến khuôn viên trường ở South Side, anh ấy chỉ ra cửa sổ ô tô và đưa ra lời cảnh báo, “Đi nhớ tránh đường này.” Tôi nhìn chằm chằm về hướng đó. Tất cả những gì tôi thấy là bóng tối của màn đêm.

Vài tuần sau trong buổi định hướng, một bạn cùng lớp ở ngoại ô New York đã giơ tay. “Chúng tôi đều theo dõi tin tức,” anh nói. “Có bất kỳ ranh giới nguy hiểm nào quanh đây mà chúng tôi nên biết, và không nên vượt qua không?”

Trưởng khoa mỉm cười. “Ở phía đông, có một cái hồ.” Vị trưởng khoa dạy thuyết general relativity, (tương đối rộng). Lý thuyết này do Albert Einstein tiên phong, cho rằng vũ trụ không có rìa cạnh, chỉ có các đường cong ngoặt.

Đôi khi, bức tường không hiện diện ở dạng đất sét hoặc bê tông. Chúng còn hiện hình thông qua các sĩ quan mặc đồng phục và đèn hiệu nhấp nháy, thông qua các điều khoản luật sở hữu và chính sách phân vùng, thông qua các “sa mạc lương thực” và các trường công lập khó khăn thiếu ngân sách. Trong vài năm đầu tiên ở Chicago, mối khi thấy xe cảnh sát tôi đều cảm thấy an toàn. Phải mất một thời gian dài tôi mới nhận ra rằng cảm giác an toàn ấy là kết quả của đặc quyền. Trong những hoàn cảnh hơi khác một chút, nếu da tôi tối màu hơn một chút hoặc tôi mang giấy tờ ít phù hợp hơn, thì lớp bảo vệ mà tôi cho là lẽ đương nhiên kia sẽ biến thành nguồn cơn cho nỗi kinh hoàng.

Trong cuốn hồi ký Becoming năm 2018 , Michelle Obama tiết lộ rằng “mặc dù đã lớn lên cách đó chỉ có một vài dặm”, bà từ bé đến lớn chưa bao giờ đặt chân vào khuôn viên Đại học Chicago, cho đến gần năm 30 tuổi khi bà đến phỏng vấn xin việc với tư cách người có bằng trường Princeton- và Luật sư có bằng Harvard.

“Đại học Chicago là một trường quý tộc,” cựu Đệ nhất phu nhân viết. “Và đối với hầu hết những người mà tôi biết khi lớn lên, quý tộc có nghĩa là không dành cho chúng tôi .”


~


Tôi là một nhà vật lý hạt cơ bản. Nghề nghiệp của tôi kiểm tra vật chất ở quy mô nhỏ nhất để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn nhất: vũ trụ đến từ đâu và nó sẽ đi đâu. Các nhà khoa học, trong trí tưởng tượng của công chúng, là những nhà thám hiểm gan dạ. Chúng tôi đứng ở đường biên tri thức của con người và miệt mài khai khẩn lãnh thổ mới. Chúng tôi phá vỡ các rào cản và viết lại các quy tắc. Tự nhiên không có ý thức hệ chính trị và không mang theo hộ chiếu. Khoa học, ở khía cạnh tốt nhất, cũng tán thành những lý tưởng mang tính quốc tế như vậy. Quan niệm dữ liệu luôn trung lập, và khoa học là phi chính trị, nghe thật hấp dẫn. Cố bám vào nó, nhà khoa học tỏ ra tự tin, gần như cao quý, vượt lên trên mớ hỗn độn và trần tục bằng sức mạnh tuyệt đối của trí tuệ.

Nhưng thực tế lại không tuân thủ với cái ảo tưởng tiện lợi như vậy. Giả vờ vượt trên và đứng ngoài chính trị tự nó đã là một lập trường chính trị; tiếp nhận lập trường này nghĩa là họ đứng cùng phía với nhà nước và đứng về phía quyền lực. Tất cả chúng ta đều có chung một bầu trời, nhưng chỉ một số chúng ta được tiếp cận với các công cụ thăm dò nó, chỉ một số người trong chúng ta được mọi người lắng nghe ý tưởng của mình, chỉ một số chúng ta có thể bước vào môi trường học tập cao hơn mà không sợ tổn hại về cơ thể. Nhiều bức tường và gờ mối không bằng phẳng trong xã hội cũng tồn tại trong khoa học, phân chia và loại trừ những người tham gia, định hình các hướng nghiên cứu, vận dụng kết quả và hướng dẫn ứng dụng của chúng.

Trong cuốn sách năm 1983 của mình, Cái chết của Tự nhiên, nhà triết học Carolyn Merchant đã giải thích vì đâu kể từ buổi bình minh của nền văn minh phương Tây, giới trí thức do nam giới thống trị đã tưởng tượng Trái đất là phụ nữ, vừa là bà mẹ nuôi dưỡng và vừa một mụ tính khí thất thường, đôi khi bạo lực. Khi quan điểm hữu cơ này về vũ trụ nhường chỗ cho quan điểm cơ giới hóa sau cuộc cách mạng khoa học, các nhà tư tưởng hàng đầu ở châu Âu xếp thiên nhiên ở cấp thấp hơn [phục tùng con người], giống như phụ nữ là phái yếu hơn, có thể bị khuất phục bởi những cỗ máy nam tính.

Như nhà khoa học chính trị Carol Cohn đã nêu chi tiết trong bài báo năm 1987 của mình “Giới tính và chết chóc trong thế giới lý trí của trí thức quốc phòng”, các nhà khoa học của Dự án Manhattan, hầu hết tất cả nam giới, đã sử dụng các biểu hiện của con trai để mô tả sự sáng tạo chết chóc của họ. Họ hy vọng tạo ra một cậu bé, tức là một quả bom hoạt động được; một cô bé có nghĩa là một quả bom xịt. Cách suy nghĩ kỳ thị nữ giới này được áp dụng trong việc đặt tên cho hai vũ khí đã hủy diệt Hiroshima và Nagasaki, “Little Boy” và “Fat Man.”

Con người suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Những từ chúng ta sử dụng để mô tả kiến thức mới thường được đặt theo những gì chúng ta đã biết. Chúng phản ánh và củng cố những thành kiến. Tôi thường tự hỏi những hạt cơ bản sẽ được gọi là gì nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra chúng. Từ “quark” xuất phát từ cuốn tiểu thuyết Finnegan’s Wake của James Joyce. Tất nhiên các khối cơ bản hình thành nên tự nhiên sẽ không hoạt động khác đi nếu chúng ta đặt tên khác cho chúng, nhưng khi tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên của khoa học, thực tế đó tạo ra rào cản cho những người không nói tiếng Anh và khẳng định giả định phổ biến rằng khoa học hiện đại là của người da trắng phát minh.

Trong nhiều năm, công việc của tôi trong lĩnh vực vật lý tập trung vào cuộc tìm kiếm “vật chất tối”. Khái niệm này, nói đúng ra, là một từ viết sai. Vật chất bí ẩn tạo nên một phần tư vũ trụ của chúng ta không tối, nếu nói về mức hấp thụ ánh sáng, mà trong mờ. Tuy nhiên, trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi sắc tố của chúng ta, những gì vô hình thường bị coi là bóng tối.

“Tôi rất thất vọng khi nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi thoải mái đi khám phá Nam Cực nhưng lại không dám bước qua vài dãy nhà để thăm phần còn lại của South Side, [khu tập trung dân cư thu nhập thấp]” David Zegeye, một nhà vật lý thiên văn và nghiên cứu sinh tiến sĩ da màu tại Đại học Chicago từng nói. Một nhà khoa học có thể xông pha hành trình đến tận cùng Trái đất và rìa thời gian, nhưng lại không bao giờ chịu rời khỏi hành lang hẹp của định kiến.

Sự phát triển của thiên văn học hiện đại, cũng như nhiều ngành khoa học khác, gắn liền với quyền lực nhà nước và sự bành trướng của đế quốc. Việc lập bản đồ chính xác của các vì sao đã giúp các con tàu di chuyển trên các vùng biển rộng. Những vùng đất mới chinh phục được cung cấp những điểm quan sát không có ở cố quốc. Thế giới quan của người khai hoang đã thay thế, đè bẹp kiến thức bản địa, nhân danh sự tiến bộ. Khoa học đã cho tư tưởng phân biệt chủng tộc một bệ đỡ lý trí.

Lần đầu tiên con người thực hiện thành công phản ứng dây chuyền hạt nhân tự duy trì có điều khiển là tại trường cũ của tôi vào năm 1942, do một người nhập cư từ Ý Enrico Fermi dẫn đầu, tin tức này đã được thông báo với một thông điệp ngụ ý: “Vị hoa tiêu người Ý vừa hạ cánh vào Thế giới Mới”. Trong những thập kỷ sau chiến tranh, những đám mây hình nấm mọc lên trên các sa mạc ở Bắc Phi và các đảo ở Thái Bình Dương, khi Anh và Pháp tham gia cùng Mỹ tiến hành các vụ thử hạt nhân ở các thuộc địa cũ của họ. Cơ thể người bản địa, nhà cửa cũng như nguồn nước của họ, lại trở thành đối tượng vô tình trong cuộc thử nghiệm của đế quốc.

Trong mắt của thực dân đi “khai hoang”, miền biên viễn là vùng đất không người; những người bản địa là một phần của vùng hoang dã, đang chờ được tuyên bố chủ quyền. Từ việc lập biểu đồ bầu trời đêm đến sự phân tách nguyên tử, sự tiến bộ của khoa học ở cả hai đầu của quy mô vật lý đều đi kèm với một câu chuyện bóc lột và chinh phục. Khoa học lại được dùng để canh giữ đường biên, bắt giữ các cơ thể và giam cầm trí tưởng tượng. Để hiện thực hoá tiềm năng khai phóng của khoa học, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tưởng tượng lại kiến trúc của xã hội, nơi mà những bức tường không còn nữa.
~


Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân vào những năm 1950, nước này đã chọn làm địa điểm thử nghiệm chính là Lop Nur, một khu vực ở tây bắc của đất nước, từng tồn tại trong lịch sử bên rìa các đế chế Trung Hoa. Nhiều trận chiến đã diễn ra bên các hồ khô cạn và đồng bằng cát ở đây, triền miên nhiều thiên niên kỷ giữa người Hán và các vương quốc láng giềng.

Lop Nur ngày nay là một phần của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR). Kể từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng gần 400 trại tạm giam trên khắp khu vực. Ước tính có khoảng một triệu người Uyghur trở lên và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã biến mất vào các cơ sở, nơi họ phải chịu đựng sự truyền bá chính trị, lao động cưỡng bức và, theo báo cáo, bị tra tấn .

Bên ngoài các trại, hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo đã bị phá bỏ. Những khu mộ truyền thống bị san bằng. Tỷ lệ sinh đã giảm mạnh . Các nhà chức trách đã biến Tân Cương thành một quốc gia cảnh sát của thế kỷ 21, với sự hiện diện an ninh khắp nơi, giám sát công nghệ cao và thu thập hàng loạt dữ liệu sinh trắc học.

Trong những ngày đầu của Cộng hòa Nhân dân, Bắc Kinh đã áp dụng một chính sách dân tộc tương đối hòa nhập, vì họ cố gắng xây dựng một quốc gia đa văn hóa từ đống đổ nát của chiến tranh. Chữ Hán dùng để mô tả các dân tộc thiểu số, theo truyền thống được viết với các ký hiệu cho động vật hoặc côn trùng, đã được thay đổi, vậy nên những tộc bị coi là man di mọi rợ bên ngoài trở thành con người. Nỗ lực đổi tên bắt đầu với chính phủ Quốc dân đảng vào những năm 1930 và được hoàn thành sau khi chính quyền cộng sản tiếp quản.

Bối cảnh thuộc địa luôn bị ám ảnh. Những kẻ thống trị thuộc địa luôn căng thẳng. Khi chính phủ thắt chặt sự độc đoán của mình đối với mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc, họ cũng ra lệnh áp dụng lối diễn giải đơn nhất về bản sắc dân tộc. Sự đa dạng đe dọa quyền lực tuyệt đối. Những gì lệch khỏi trung tâm phải bị phá hủy.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Tân Cương đòi hỏi sự chú ý của thế giới. Tốc độ và quy mô của cuộc đàn áp là đáng báo động, nhưng nỗi kinh hoàng này không nên được coi là một vấn đề riêng của Trung Quốc, hoặc nguyên nhân chỉ do hệ thống chính trị áp bức của họ. Nỗ lực xóa bỏ các dân tộc từng xảy ra ở khắp nơi và có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Trước khi lên nắm quyền, Hitler đã ca ngợi tội ác diệt chủng của người Mỹ bản địa và sự phân biệt đối xử của người da đen ở Hoa Kỳ, và lấy cảm hứng từ những hạn chế nhập cư phân biệt chủng tộc của nước này. Các báo cáo về việc cưỡng bức triệt sản áp dụng đối với phụ nữ Uyghur lặp lại các chính sách ưu sinh từng được thực hiện khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong phần lớn thế kỷ 20, với mục tiêu là Người da đen và da màu, Người bản xứ, người nghèo, người bị giam giữ và người khuyết tật.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng việc thực tập hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chính là trích từ sách vở của chính phủ Mỹ trong chính sách phản ứng ngày 9-11. Từ nhận dạng khuôn mặt đến lập hồ sơ di truyền, công nghệ từ các công ty Mỹ đã giúp xây dựng cơ sở hạ tầng giám sát ở Tân Cương. Chính phủ Mỹ đã cấm giao thương trong tương lai và xử phạt các công ty Trung Quốc có liên quan. Trong khi đây là một bước quan trọng đúng hướng, một lệnh cấm từ nhà nước là không đủ. Câu hỏi quan trọng hơn và khó hơn nhiều là tại sao những công nghệ này lại tồn tại ngay từ đầu. Nguy cơ chúng bị lạm dụng chắc chắn không phải được vô tình tạo ra do lỗi hoặc do sơ suất. Bạo lực là cố hữu. Sự phân biệt là do thiết kế.

Cho dù đó là phép đo hộp sọ, xem xét khuôn mặt, phân loại màu da, hoặc trình tự DNA, khoa học trong nhiều thế kỷ đã được sử dụng để xác định nhiều nhóm người là nhóm khác, được dùng để chứng minh họ thấp kém và biện minh hành vi nô dịch hoá. Những gì đang xảy ra ở Tân Cương phải được nhìn qua lăng kính lịch sử này và nằm trong bối cảnh toàn cầu. Các nhà khoa học Mỹ đã hợp tác với an ninh nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực di truyền và trí tuệ nhân tạo. Các nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong các lĩnh vực này nghiên cứu ở nước ngoài, tham dự các hội nghị quốc tế và xuất bản công trình của họ trên các tạp chí được bình duyệt. Các công ty công nghệ ở cả hai quốc gia đều hỗ trợ phía hành pháp bằng cách cung cấp dữ liệu khách hàng; họ tài trợ cho các sáng kiến nghiên cứu tại các trường đại học lớn và bán sản phẩm của họ trên toàn thế giới. Ngoài các kết nối tức thời trong công nghệ giám sát, hàng hóa từ Tân Cương, có thể được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, đang được bày bán cho thị trường toàn cầu. Khu liên hợp công nghiệp nhà tù không chỉ là một công cụ để kiểm soát nhà nước; nó cũng là một nguồn lợi nhuận. Tư bản không quan tâm đến biên giới bất kể công nhân chết dần chết mòn phía sau những bức tường.


~


Trong một bài báo năm 2019 trên The New Yorker, nhà văn khoa học viễn tưởng Trung Quốc Liu Cixin đã bảo vệ hành động của chính phủ ở Tân Cương. Ông nói với phóng viên Jiayang Fan là đó là để tốt cho an ninh và xóa đói giảm nghèo.

Lời nói của Liu, bắt chước các quan điểm của nhà nước, cũng phù hợp với chủ nghĩa sô vanh thể hiện trong tác phẩm của ông. Phải thừa nhận rằng tôi chưa bao giờ là một người hâm mộ, mặc dù nhiều đồng nghiệp của tôi ưa thích sách của ông. The Wandering Earth , được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Liu, đã trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử Trung Quốc trong vòng hai tuần sau khi phát hành. (Bây giờ nó đang ở vị trí thứ ba.) Tôi xem bộ phim vì ý nghĩa văn hóa của nó, cùng lý do tôi đọc sách của ông ấy, và cũng cảm thấy một nỗi thất vọng tương tự. Bỏ qua lớp vỏ bọc công nghệ của phim, và chúng ta sẽ tìm thấy một câu chuyện sáo mòn với các nhân vật hai chiều. Trong Trái đất lang thang, hành tinh của chúng ta được chuyển đổi thành một phi thuyền giữa các thiên hà, nhưng xã hội và nền chính trị của nó hầu như không phát triển: Quốc gia-nhà nước sống lâu hơn mặt trời. Là một kỹ sư được đào tạo, Liu, giống như nhiều đồng nghiệp của mình, cảm thấy thoải mái hơn khi bẻ cong định luật trọng lực hơn là tưởng tượng lại các hình thức chính phủ.

Cũng vì những lý do này mà tôi luôn duy trì thái độ miễn nhiễm nhất định với lòng nhiệt tình thường thấy đối với công cuộc khám phá không gian. Các kế hoạch cho các cuộc thám hiểm ngoài Trái đất nhận được nhiều quan tâm công chúng nhất được thiết kế bởi quyền lực và cho quyền lực. Họ hoặc được các chính phủ quốc gia hỗ trợ để đạt được lợi thế địa chính trị, hoặc được các cá nhân giàu có nhất ủng hộ như một thú vui cá nhân. Tôi không thể tìm thấy trong tầm nhìn của họ một nơi an toàn, bình đẳng cho người như tôi, nếu đúng là có một nơi nào đó khác ngoài trái đất. Tôi quá ngang ngạnh về mặt tư tưởng chính trị cho chương trình của Trung Quốc, quá “ngoại quốc” cho chương trình của quốc gia khác, quá nghèo và quá nữ để mong đợi được vào bước con tàu của một tỷ phú với phẩm giá của tôi còn nguyên vẹn.

Các ranh giới và thứ bậc trên Trái đất phủ bóng dài của chúng lên biên giới cuối cùng. Đằng sau những phông bạt viễn tưởng về tương lai kỳ ảo, vẫn là một câu chuyện cũ về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa tư bản. Giá trị của một địa điểm được đánh giá bằng tính hữu dụng của nó đối với nhà nước hoặc đối với thủ đô, nơi đặt vũ khí hoặc nơi khai thác tài nguyên.

Một vài năm trước, tôi đã có một cuộc thảo luận sôi nổi với một người bạn tôn thờ Elon Musk – trước khi Musk gây chuyện làm phẫn nộ trước công chúng – và tin tưởng mạnh mẽ rằng khả năng sống sót của loài người phụ thuộc vào năng lực trở thành đa hành tinh của nó. Tôi không có vấn đề với ý tưởng du hành vũ trụ của lối suy nghĩ này, tôi còn ủng hộ nó là đằng khác, nhưng tôi không thấy ổn với lý luận mang tính tự luyến trong đó. Nếu Trái đất trở thành nơi con người không thể ở được, và quá trình này đang diễn ra, thì nguyên nhân không phải do Chúa mà là hoạt động của con người. Những người chịu trách nhiệm lớn nhất về ngày tận thế khí hậu cũng đã tự phong cho mình là vị cứu tinh của loài người, hay chính xác hơn là vị cứu tinh của một số ít được chọn. Giải pháp họ đề xuất cho các vấn đề do chính họ gây ra là không dừng hành vi có hại của mình và sửa chữa thiệt hại, bởi vì điều đó đòi hỏi một cuộc thay đổi cấu trúc, và do đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ, mà là treo lơ lửng một lời hứa/bánh vẽ để họ có thể tiếp tục thu lợi.

Xây dựng một môi trường sống khác có dễ dàng hơn là sửa chữa môi trường sống mà chúng ta có không? Dĩ nhiên là không. Nhưng tính khả thi trở nên vô nghĩa ở đây khi mục đích chính của đề xuất xây mới này là để đánh lạc hướng.

Tôi đã nói với bạn mình rằng tôi không thể tin tưởng bất kỳ kế hoạch nào mà ngôn ngữ triển khai của nó là “thực dân hóa” (colonize). “Nhưng sao Hỏa không có người ở!” anh bạn tôi phản đối. Đúng, nhưng sự lựa chọn ngôn ngữ phản ánh tư duy; ít nhất, nó cho thấy sự thiếu ý thức rõ ràng ở đây.

Để giúp lập luận của mình, tôi đã viện đến một người hùng hồn hơn tôi nhiều, là Gil Scott-Heron, khi tôi chơi bài ” Whitey On the Moon ” của anh. Được viết ngay sau khi tàu Apollo hạ cánh xuống mặt trăng, lời bài hát là một bản cáo trạng thiêu đốt về sự bất bình đẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ, tiết lộ bóng tối bên dưới ánh sáng chói lóa của tên lửa.

“Vì vậy, mọi vấn đề trên Trái đất cần được giải quyết trước khi con người lên vũ trụ?” bạn tôi cự lại. Đó là một lập luận quen thuộc mà tôi thường nghe thấy trong các hội trường khoa học, rằng các vấn đề công lý cũng quan trọng nhất định, nhưng chúng không nên cản trở sự tiến bộ. Nó tuân theo cùng một logic sai lầm rằng khoa học có thể tách rời khỏi xã hội và không có chính trị. Rằng nếu một nhà khoa học chú ý quá nhiều đến các mối quan tâm của xã hội, thì cô ấy được coi là một nhà khoa học kém chuyên tâm, kém năng lực.

Bạn tôi là một người tốt với trái tim nhân hậu. Sự cự cãi phòng vệ ban đầu của anh ta bắt nguồn từ một điểm yếu trong bản chất con người, nhu cầu bảo tồn sự vô can vô tội của mình. Tất cả chúng ta đều sống trong một hệ thống bất công và phải thỏa hiệp để được sống. Khi đối mặt với sự đồng lõa của chúng ta, phản ứng theo bản năng là phủ nhận và quay mặt đi. Đây là lý do tại sao ý niệm về biên giới và biên cương lại có ý nghĩa mạnh mẽ như vậy trong ý thức tập thể chúng ta. Cả hai đều có nhiều dạng. Nhà tù, như Angela Davis và Gina Dent giải thích, cũng là một biên giới. Miễn là tội phạm, người nước ngoài, người khác, được giữ sau những bức tường, chúng ta có thể bám vào thế giới mà chúng ta quen thuộc và có vị trí của chúng ta trong đó. Miễn là có một phương hướng để khai phá, cả không gian vũ trụ nguyên sơ hứa hẹn tiềm năng vô biên, chúng ta có thể trốn thoát những vấn đề đang tồn tại kề bên và giữ cho huyền thoại về công cuộc khai khẩn vô tận và quá trình “tiến bộ” lành tính kia tồn tại.


~


Nhà thơ Anne Carson viết: “Sống qua tận cùng huyền thoại của bạn là một điều nguy hiểm”. Mỗi buổi sáng như quá nhiều buổi sáng khác, tôi thức dậy trong căn hộ của mình ở Chicago với cảm giác sợ hãi về sự tồn tại: Liệu đây chính là cách thế giới sẽ chấm dứt?Tôi nhìn ra cửa sổ thành phố mà tôi gọi là quê hương trong hơn 11 năm qua. Bề ngoài thay đổi rất ít, cứ như thể sáu tháng qua là một cơn mộng. Nhưng thông báo tin tức cho tôi biết một nghìn người khác ở Hoa Kỳ đã chết vì Covid-19 vào ngày hôm qua, là một nghìn người khác được thêm vào 200.000 người đã mất trước đó. Bên dưới lớp vỏ bóng bẩy của những tấm kính và sắt thép, hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh ở đất nước này. Hàng chục triệu người đã mất việc làm. Toàn bộ các ngành công nghiệp đang sụp đổ. Các gia đình đang bị đuổi ra khỏi nhà. Trẻ em sắp đói. Mọi người đang chết, và chủ nghĩa phát xít đang sống.

Giống như nước ngập trên một địa hình không bằng phẳng, sự lây lan của vi-rút đã phơi bày và làm trầm trọng thêm nhiều vết rách trong cơ cấu xã hội của chúng ta. Người Mỹ da đen và người Mỹ bản địa bị ảnh hưởng hơn hẳn. Những người lao động thiết yếu thường được trả lương ít nhất, cơ thể của họ được coi là thứ có thể hy sinh được. Các bác sĩ và y tá thiếu trang bị bảo hộ, trong khi cảnh sát sử dụng thiết bị quân sự để giải tán những người biểu tình ôn hòa. Những người sống không có mái che không có nơi nào để đóng cửa trú ẩn, tránh ra ngoài đường. Những người không sống ở những không gian xa xỉ, là người nghèo và người bị giam giữ, không thể thực hành giãn cách xã hội. Hệ thống thưởng cho những người giỏi nhất và bẫy những người kém may mắn hơn trong những chu kỳ tuyệt vọng.

Coronavirus đến từ tự nhiên. Nó không có đạo đức, không có ý đồ, định hướng hay niềm tin. Sự hiện diện của nó trong chúng ta là kết quả của hoạt động của con người, một lời nhắc nhở về sức mạnh huỷ hoại và tính dễ bị tổn thương sâu thẳm của chúng ta. Không có quân đội hay vũ khí, của cải vật chất hay biên giới chính trị nào có thể bảo vệ chúng ta khỏi những thay đổi trong hệ sinh thái. Khi chúng ta tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình trên Trái đất và khai thác nó để thu lợi ngắn hạn, khi nhiều khu vực trở nên không thể ở được do lũ lụt, hạn hán hoặc hỏa hoạn, khi các sông băng tan chảy và biển ấm lên đánh thức các mầm bệnh cổ xưa, những gì xảy ra vào năm 2020 chỉ là khúc dạo đầu cho viễn cảnh tồi tệ hơn nhiều sắp đến.

Bộ mặt của hành tinh chúng ta đang thay đổi. Tất cả chúng ta đang trở nên thay đổi. Nó bắt đầu từ ngoài lề vào trong: Những người dễ bị tổn thương nhất là những người đầu tiên cảm nhận được tác động của nó. Cách chúng ta đối phó với hoàn cảnh của họ sẽ quyết định số phận của chính chúng ta. Nếu chúng ta bám vào những ý tưởng cũ về quyền công dân và tín điều, nếu chúng ta lấy cớ khan hiếm để biện minh cho sự cố chấp của mình, nếu chúng ta để người di cư chết đuối trên biển và những người tị nạn chết mòn trong các trại, thì sẽ không lâu nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng mình cũng không thuộc về bất cứ đâu. Nếu chúng ta quyết tâm định hình bản sắc của mình thông qua việc tiêu diệt một tập thể khác, chúng ta chỉ đang đảm bảo sự diệt vong của cả hai.

Tình trạng của loài người chúng ta không được đo lường bởi những người giàu nhất hay quyền lực nhất, cũng không thể hiểu được nó bằng cách chỉ lắng nghe những người an toàn ở trung tâm. Biên giới không phải là một bờ cạnh/bờ vực mà là một khởi đầu mới. Những người đã kiên trì ở vùng ngoại vi nắm giữ chìa khóa cho sự tồn tại trong tương lai của chúng ta. Sự hiện diện của họ phá vỡ sự thoải mái của chúng ta, thách thức các tiêu chuẩn của chúng ta, phơi bày sự ít ỏi của ảo ảnh đạo đức của chúng ta. Tiếng nói của họ, những người bị bắt buộc phải im lặng và bị cố tình bỏ ngoài tai, làm phong phú thêm vốn từ vựng của chúng ta vào thời điểm mà sự tàn nhẫn khủng khiếp của sự thật khiến chúng ta cạn lời. Việc giải phóng những người bị áp bức nhất sẽ đòi hỏi sự phá hủy tất cả các hệ thống áp bức. Việc trao quyền cho những người bị tước quyền nhất sẽ trao quyền cho tất cả chúng ta.


Tôi ngồi phỏng vấn về khoa học và quản trị. Bạn nghĩ về điều gì khi nhìn lên bầu trời đêm? Người dẫn chương trình hỏi từ phía bên kia của màn hình máy tính.

Đó là một câu hỏi thú vị trong thời đại đại dịch. Qua nhiều tháng bị giam cầm, vào hầu hết các ngày, tôi có thể nhìn thấy duy nhất một góc bầu trời bên ngoài cửa sổ và cảnh quan thành phố bên dưới nó. Tôi thường thấy mình nhìn chằm chằm vào tấm màn màu mực vào đêm muộn, như thể đang tìm kiếm những tín hiệu, một sự can thiệp thần thánh nào đó, một dấu hiệu hé lộ tình tiết sắp tới của tấm kịch này. Nhưng tất cả những gì tôi thấy là những gì tôi luôn thấy. Mặt trăng tàn phai. Đèn đường rực sáng. Một chiếc ô tô lái qua. Tiếng lốp xe chậm rãi như tiếng sóng biển.

Tôi nghĩ về tổ tiên của mình, tôi nói. Một nhà vật lý hạt là một nhà sử học về vũ trụ. Chúng tôi nghiền ngẫm kho lưu trữ trên bầu trời. Chúng tôi theo dõi vũ trụ từ thuở sơ khai và lập biểu đồ tiến hóa của nó. Dòng thời gian của nền văn minh nhân loại gần như không chớp mắt trên quy mô vũ trụ. Ánh sáng từ những ngôi sao xa xôi cũng níu giữ ánh nhìn của tổ tiên tôi.

Tôi nghĩ về những thế hệ phụ nữ Trung Quốc trước tôi, bị từ chối học chữ vì họ là phụ nữ, câu chuyện của họ trôi theo dòng sông thời gian. Tôi nghĩ về laojia của tôi, ngôi nhà cũ bên sông Dương Tử. Trước khi thành lập đế chế đầu tiên của Trung Quốc, thành phố cổ đại là thủ đô của Chu, vương quốc phía nam nơi sinh ra các chiến binh và thợ thủ công, pháp sư và người kể chuyện. Đế chế trỗi dậy và sụp đổ. Các đường biên được vẽ lại. Tại sao chúng ta phải giam cầm mình bằng những đường kẻ tưởng tượng và những biểu tượng nhất thời, để rồi mất liên lạc với những gì sâu sắc và thân thiết với thế giới này và với nhau? Bên dưới cùng một bầu trời sao, dính liền trên cùng một hành tinh, chúng ta chia sẻ tình yêu cháy bỏng, sự không thể tránh khỏi của cái chết, cuộc tìm kiếm vĩnh cửu mà con người rong ruổi và khám phá.

Tôi nghĩ về Khuất Nguyên, một chính khách và nhà thơ huyền thoại của nhà Chu, người sống lưu vong, suy nghĩ về những câu hỏi về thiên đình trên cao và những bài học của họ dành cho con người, cũng chính những câu hỏi mà tôi tự hỏi hôm nay:
Ai đã truyền lại câu chuyện về sự khởi đầu từ xa xưa, vạn vật?
… Thế nào thì được gọi là tối và sáng o?
… La bàn ai đã đo chín bầu trời?
… Chín cánh đồng trên trời mở rộng đến đâu và nối với nhau ở đâu?
… Nỗi buồn của ngọc hoàng là gì khi ông ẩn náu và sống trong hang động? Chúng ta đã nói gì khi ông nhận ra những lỗi lầm của mình?

(Who passed down the story of the far-off, ancient beginning of things?
…What manner of things are the darkness and light?
…Whose compass measured out the ninefold skies?
…Where do the nine fields of heaven extend to and where do they join each other?
…What was the king’s sorrow when he lay in hiding and lived in caves? What did we say when he awoke to the error of his ways?)

Standard
Only Me on Facebook

The reply

Sáng đầu tháng Sáu

Có lần một người đồng tu với mẹ nói với mình rằng mình nên đi tu. Mình “đang không vướng bận gia đình, đi tu là dễ”. Đi tu tích đức, cầu cho thế giới, cho chúng sanh an bình, cô ấy nói.

Với tất cả sự tôn trọng, mình đáp lại với cô rằng, cháu đi tu thì lấy ai cố gắng cho thế giới an bình? Rồi mình nói với mẹ, những lời cầu nguyện cô ấy ngày ngày gửi vào Vũ trụ, tại sao cô không nghĩ rằng con là một phần của lời phúc đáp?

Thú thực là lúc đó mình hơi trẻ con, nói vậy không phải để nghễu ngạnh rằng tôi ghê gớm một tay che trời, thái bình thiên hạ, mà là vì bực mình nhiều hơn. Kiểu thấy người ta cứ thích chỉ bảo mình cách nên sử dụng freedom của chính mình như thế nào ấy.

Cho đến giờ, mình vẫn phá nhiều hơn xây. (Sự fart của bản thân thôi cũng là đóng góp phát thải nhà kính rồi, một cách politically correct mà nói). Rất nhiều nỗ lực mình ném ra đều trở về trong thất bại, thậm chí là phản tác dụng. Và mình vẫn luôn có cớ chửi bản thân ngu hằng ngày.

Nhưng mà sau này, nhờ cái câu nói lúc bộc phát ấy mà mình vịn dậy được mấy lần.

Sáng nay mở mắt mình gặp một thế giới nhiễu nhương. Aka vẫn như mọi khi. Một phán quyết của toà, giữ nguyên bản án tử hình một con người, bất chấp nó xuất phát từ cuộc điều tra đầy lỗ hổng. Và mình đọc được một post của một người bạn, về chuyện bạn buồn vì phải làm người, phải thấy Chúa thường im lặng trước những bất công.

Mình định nhắn bạn, nhưng không chắc bạn cần ai vỗ về, hay động viên. Vả lại mình cũng không biết câu trả lời cuối cùng. Mình chỉ hy vọng bạn không bỏ cuộc, dù bạn có đang làm gì.

Có thể bạn chưa biết, nhưng với khả năng của bạn, biết đâu bạn đã/đang/sắp là lời phúc đáp Chúa gửi trả cho lời cầu nguyện của ai đó? Có thể không phải là của chính cái bất công đang khiến bạn buồn, mà là của những cơn sự khác.

Mình chỉ hy vọng, một ngày nào đó đến lượt, bạn sẽ không để lời phúc đáp của Chúa là im lặng, một lần nữa.

 

Pic: Hubble saw this on my birthday in 2012.

“Horsehead Nebula
The backlit wisps along the Horsehead Nebula’s upper ridge are being illuminated by a young five-star system just off the top of this image, taken in infrared light. Harsh radiation from one of these bright stars is slowly evaporating the nebula.”

Standard
Translation

AN UNBELIEVABLE STORY OF RAPE

Một cô gái 18 tuổi nói cô bị tấn công, dao kề cổ.

Rồi cô lại nói tất cả chỉ là cô dựng chuyện.

Chính từ đây, câu chuyện của chúng ta bắt đầu.


Tác giả: T. Christian Miller, ProPublica và Ken Armstrong, Dự án Marshall
Xuất bản ngày 16 tháng 12 năm 2015
Câu chuyện này đã được đồng xuất bản với Dự án Marshall.
ProPublica là tờ báo phi lợi nhuận chuyên điều tra về đề tài lạm dụng quyền lực. Đăng ký nhận bản tin Câu chuyện lớn của ProPublica để nhận những câu chuyện như thế này trong hộp thư đến của bạn ngay khi chúng được xuất bản.
Dịch bởi Nhung Nhung
Link gốc: AN UNBELIEVABLE STORY OF RAPE

NGÀY 12 THÁNG BA NĂM 2009

TẠI LYNNWOOD, WASHINGTON

Không ai đến toà cùng cô hôm đó, ngoài vị luật sư công được toà chỉ định.

Cô 18 tuổi, bị buộc tội một tiểu hình cấp trung, hình phạt có thể lên đến một năm trong tù.

 

Rất hiếm khi người ta chú ý đến những vụ tiểu hình. Trường hợp của cô chỉ là một trong 4,859 vụ tương tự năm 2008 ở Toà án Thành phố Lynnwood – cơ quan mà vị quan toà mô tả là hoạt động với mục đích “chấn chỉnh hành vi – để khiến Lynnwood trở nên tốt đẹp hơn, an toàn hơn, lành mạnh hơn cho mọi người cùng sinh sống, làm việc, mua sắm và du lịch.”

Nhưng tội tiểu hình của cô lại được báo chí đưa thành tin tức, và biến cô trở thành mục tiêu của những soi mói, hay tệ hơn, khinh miệt. Nó đã tước khỏi cô gái cuộc sống độc lập mới gây dựng, cuộc sống mà cô luôn mòn mỏi chờ đợi sau cả một phần đời vất vưởng qua những gia đình cha mẹ nuôi. Nó đã tước đi của cô giá trị của bản thân. Mỗi tiếng điện thoại đổ chuông là một lời thông cáo về một tình bạn nữa, sẽ mất đi. Một người bạn học từ lớp 10 cất công gọi chỉ để hỏi: Sao mày có thể bịa ra được chuyện kinh khủng như thế? Marie – tên đệm của cô, Marie – không đáp một lời. Cô chỉ lắng nghe, rồi dập máy. Ngay cả cha mẹ nuôi của cô cũng nghi ngờ cô. Chính cô cũng nghi ngờ cô, tự hỏi liệu trong đầu mình có gì đó bệnh hoạn, cần phải chữa trị gì không.

Trước đó, cô báo cảnh sát mình bị cưỡng hiếp trong căn hộ, bởi một người đàn ông, hắn đã trói và bịt miệng cô lại. Thế rồi, khi bị cảnh sát chất vấn cô về những tình tiết không thống nhất trong câu chuyện, cô đã thừa nhận đó có thể chỉ là một giấc mơ. Thế rồi cô thừa nhận mình đã bịa ra câu chuyện đó. Một bản tin truyền hình đã tuyên cáo, “Một phụ nữ ở Tây Washington đã thú tội mình nói dối về vụ cưỡng hiếp mà cô ta báo cảnh sát hồi đầu tuần.” Cô bị kết tội dựng chuyện khi báo cảnh sát, và cũng vì thế mà cô có mặt ở phiên toà ngày hôm nay, để chấp nhận hoặc từ chối thoả thuận nhận tội.

Chính luật sư của cô cũng ngạc nhiên khi thân chủ của mình bị truy tố. Câu chuyện của cô chưa làm phương hại đến ai – không có nghi phạm nào bị bắt, hay thậm chí không ai bị thẩm vấn. Ông đoán, cảnh sát đã cảm thấy bị lợi dụng. Họ không thích thời gian của mình bị hoang phí.

Bên công tố đề nghị thế này: nếu sang năm sau cô đáp ứng được một số điều kiện, mọi cáo buộc sẽ được bãi bỏ. Cô sẽ cần đi tư vấn tâm lý về chứng nói dối của mình. Cô sẽ chịu một thời kỳ thử thách theo dõi. Cô sẽ cần giữ hồ sơ sạch sẽ, không phạm thêm bất cứ tội gì. Và cô sẽ phải nộp 500 đô-la tiền án phí.

Marie muốn để chuyện này vào dĩ vãng.

Cô chấp nhận đề nghị.

 

HAI NĂM SAU, NGÀY 5 THÁNG 1 NĂM 2011

Ở GOLDEN, COLORADO

Hơn 1 giờ chiều của một ngày tháng Giêng lạnh lẽo năm 2011, Thanh tra Stacy Galbraith bước về phía các dãy nhà chung cư vô danh rải dài lác đác trên ngọn đồi thấp ở một ngoại ô của thành phố Denver. Tuyết đóng thành từng mảng trên mặt đất. Trời ảm đạm, lạnh như cắt da thịt. Chị đến để điều tra một vụ báo cưỡng hiếp cảnh sát mới nhận.

Galbraith nhìn thấy nạn nhân đang đứng đợi mình giữa vệt nắng mỏng bên ngoài căn hộ tầng trệt của cô. Một cô gái trẻ, mặc chiếc áo khoác nâu dài. Cô kẹp chiếc túi đựng đồ cá nhân ở tay. Cô nhìn bình thản, gương mặt không biểu cảm. Galbraith tự giới thiệu bản thân. Đội kỹ thuật viên của cảnh sát đang khám xét căn hộ. Galbraith gợi ý nạn nhân cùng mình vào trong chiếc xe tuần không gắn đèn hiệu gần đó để tạm lánh cái giá buốt giữa trời.

Người phụ nữ nói với Galbraith mình 26 tuổi, là sinh viên ngành kỹ sư ở một trường gần đây, đang trong kỳ nghỉ đông. Cô đã ở nhà một mình từ buổi tối hôm trước. Sau khi nấu đậu xanh ăn tối, cô chui vào trong chăn đề cày phim “Những Bà Nội Trợ kiểu Mỹ” và “The Big Bang Theory” cho đến khi ngủ thiếp đi. Khoảng 8h sáng, cô bị đánh thức bởi một người đàn ông. Hắn nhảy lên lưng cô, ghì chặt đầu cô xuống giường. Hắn đeo một chiếc mặt nạ màu đen, nhìn như một chiếc khăn quấn chặt quanh mặt hơn. Tay hắn cầm một khẩu súng đen bạc. “Cấm gào. Cấm kêu cứu không tao bắn,” hắn gằn giọng.

Hắn hành xử cẩn thận. Hắn trói cô lỏng tay ra sau lưng. Từ một chiếc túi đen lớn, gã đàn ông lôi ra đôi vớ đùi, đôi giày cao gót nhựa trong suốt gắn nơ hồng, lọ bôi trơn, một hộp khăn ướt và chai nước. Trong bốn tiếng đồng hồ sau đó, hắn cưỡng hiếp cô nhiều lần. Hắn dùng máy ảnh kỹ thuật số ghi lại vụ tấn công và doạ sẽ đăng ảnh lên mạng nếu cô dám gọi cảnh sát. Sau đó, hắn ra lệnh cho cô đi đánh răng và tắm rửa. Khi cô bước ra khỏi nhà tắm, gã đàn ông đã biến mất. Hắn đem theo chăn, ga giường,vỏ gối của cô. Cô còn nhớ rất rõ một chi tiết trên cơ thể hắn: một vết chàm đen trên bắp chân trái của hắn, cỡ bằng quả trứng.

Galbraith bàng hoàng lắng nghe lời kể của người phụ nữ. Hành vi tấn công ghê tởm; và kẻ tấn công cho thấy hắn có bài bản. Không thể lãng phí thêm phút giây nào nữa. Xích lại gần nạn nhân ở ghế trước xe ô tô, Galbraith cẩn thận dùng tăm bông quẹt nhẹ mặt người phụ nữ để thu thập bất cứ dấu vết DNA có thể còn sót lại. Đoạn chị chở cô gái đến bệnh viện St. Anthony North. Nạn nhân trải qua một đợt khám pháp y đặc biệt để thu thập thêm bằng chứng DNA. Trước khi đi theo một y tá, người phụ nữ cảnh báo Galbraith, “Tôi nghĩ hắn đã từng làm chuyện này rồi.”

Galbraith trở lại hiện trường. Một số điều tra viên và kỹ thuật viên đang bận bịu làm việc. Họ đến gõ cửa từng nhà hàng xóm, chụp ảnh bên trong căn hộ, sục sạo các thùng rác, tỉ mẩn cọ từng bức tường, cửa sổ, mọi nơi để kiếm DNA. Trên mặt tuyết, họ tìm thấy một vệt dấu chân dẫn vào và ra phía sau căn hộ qua một cánh đồng vắng. Họ phun sơn các dấu chân màu cam rực nổi bật rồi chụp ảnh chúng lại. Dấu vết cũng không nhiều. Nhưng cũng là có. Một viên cảnh sát xin phép nghỉ tay một chút. “Cứ làm tiếp đi!” Galbraith kiên quyết.

Trên đường về nhà hôm đó, tâm trí Galbraith không thể ngừng nghĩ ngợi. “Hắn ta là ai?” chị tự hỏi. “Mình tìm hắn cách nào đây?” Galbraith thường tự nguyện xin đảm trách các vụ hiếp dâm. Chị là một người vợ, người mẹ. Chị dễ thấu hiểu và đồng cảm với các nạn nhân – vốn chủ yếu là phụ nữ. Đa số bị tấn công bởi chính bạn trai, người tình cũ, hoặc ai đó họ gặp ở quán bar. Những vụ điều tra thường kết thúc ở điểm mấu chốt quan hệ có đồng thuận hay không. Người phụ nữ có nói “yes” không? Những vụ thế này thường khó nhằn cho cảnh sát và bên công tố. Quan toà cũng do dự không muốn tống ai đó vào tù chỉ dựa vào lời khai của một bên. Bị một người lạ cưỡng hiếp thường rất hiếm – chiếm khoảng 13% số vụ. Nhưng quan trọng vẫn là trong lời khai của người phụ nữ. Nạn nhân có đang nói sự thật? Hay lại là một âm mưu được dựng lên để lấp liếm một dịp mây mưa không vừa ý?

Cũng vì lẽ này, tội cưỡng hiếp không hề giống các tội phạm khác. Mức độ đáng tin cậy của nạn nhân thường cũng được đưa ra xem xét ngang ngửa với khả năng phạm tội của bị cáo. Và trong quá trình dài, gian nan giữa lúc gây án và khi kết án, người đầu tiên đứng ra kết luận ranh giới thật giả chính là cảnh sát. Một điều tra viên phải tìm ra cho được liệu nạn nhân có đang nói sự thật hay không.

Nguyên tắc của Galbraith rất đơn giản: lắng nghe và thẩm định lại. “Nhiều người cứ nói, “Hãy tin vào nạn nhân, phải tin vào nạn nhân chứ,” Galbraith nói. “Nhưng tôi lại không nghi đó là quan niệm đúng. Tôi nghĩ đáng ra nên là hãy lắng nghe nạn nhân. Rồi sau đó chứng thực hoặc bác bỏ dựa theo diễn biến tiếp theo đó.”

Ở nhà, chồng chị David đã rửa xong chén đĩa và cho con cái ngủ. Cả hai thả mình xuống hai chiếc ghế sô pha trong phòng khách. Galbraith kể lại những gì xảy ra trong ngày. Kẻ tấn công đã đủ xảo trá, cố tình xoá hết mọi dấu vết DNA ở hiện trường. Trước khi rời đi, hắn còn chỉ cho cô sinh viên cách hắn đột nhập vào nhà qua một cánh cửa kéo bằng kính. Hắn khuyên cô nên gắn chốt lề dưới cửa để tránh những kẻ khác đột nhập trong tương lai. Nạn nhân còn mô tả hắn là một “người lịch thiệp,” Galbraith nói. “Tên này, sẽ không dễ tóm hắn,” chị nghĩ.

David Galbraith đã quá quen với những câu chuyện tăm tối như này. Xét cho cùng, cả hai làm cùng ngành. Anh làm cảnh sát ở Westminster, cách đây khoảng 15 dặm về phía đông bắc. Golden và Westminster là khu dân ở cho tầng lớp trung lưu, nằm giữa khu trung tâm đầy nhà chọc trời của Denver và khu phố thị mới nổi Rockies.

Nhưng lần này có gì đó khác biệt với các vụ trước. Khi David lắng nghe, anh nhận ra những tình tiết của vụ án quen thuộc đến mức đáng sợ. Anh dặn vợ sáng sớm ngày mai phải gọi cho cục cảnh sát bên anh ngay.

 

LYNNWOOD, WASHINGTON

“Cô ta không nhớ mình có từng được đi học mẫu giáo.

Cô nhớ mình từng rất đói đến mức phải ăn đồ cho chó.

Cô trình bày mình bắt đầu được đưa vào diện chăm nuôi tạm thời (*) từ năm 6 hoặc 7 tuổi.”

(*) Foster care: dành cho những đứa trẻ xác định mồ côi, chưa được ai nhận làm con nuôi, sẽ do một số gia đình cha-mẹ-nuôi-tạm-thời chăm sóc khi chờ đợi, thường trong thời gian ngắn. Thực tế, nhiều trẻ phải luân chuyển qua nhiều gia đình tạm thời như vậy cho đến tuổi trưởng thành do không ai nhận làm con nuôi (adopt) – NN.

Hồ sơ về cuộc đời của Marie – do một chuyên gia sức khỏe tâm thần ghi chép sau khi phỏng vấn cô trong năm tiếng đồng hồ – được mô tả bằng một giọng văn lạnh lẽo thường thấy ở ngành y, về quãng thời gian trước khi cô bước vào cuộc đời chăm nuôi tạm thời…

“Cô từng gặp cha ruột một lần duy nhất.

Cô trình bày mình không biết nhiều về mẹ ruột của mình, theo lời cô người mẹ thường bỏ mặc cô cho những người bạn trai của bà trông.

Cô từng bị lạm dụng thể chất và tình dục.”

…và sau đó, có:

“những cá nhân trưởng thành nhận chăm nuôi cô tạm thời và những nhân viên chuyên dụng đến và đi trong cuộc đời cô, một số trải nghiệm đáng buồn hoặc lạm dụng, và thường xuyên thiếu vắng sự ổn định lâu dài.”

“Hồi còn nhỏ, tôi luân chuyển qua rất nhiều gia đình,” Marie kể trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi cũng từng ở nhà tập thể. Khoảng hai nhà tập thể và chắc 10 hay 11 nhà nuôi tạm thời.”

“Tôi từng dùng khoảng bảy loại ma tuý, thuốc gây nghiện khác nhau. Và Zoloft, thuốc gây nghiện cho người lớn ấy – tôi dùng nó từ hồi lên 8.”

Marie có hai anh trai và một chị gái cùng mẹ khác cha. Thỉnh thoảng cô được xếp vào cùng gia đình foster care với anh chị. Nhưng thường họ bị tách riêng.

Chưa một ai giải thích cho cô vì sao cô bị luân chuyển, hay có chuyện gì đang xảy ra. Cô cứ thế chuyển từ nhà này qua nhà khác.

Khi Marie đến tuổi thiếu niên, những ngày tháng vất vưởng của cô tưởng như sắp kết thúc. Gia đình foster care quyết định sẽ nhận cô làm con nuôi. “Tôi thực sự rất yêu mến gia đình ấy, và tôi đã bắt đầu có bạn bè,” Marie kể.

Với nhiều học sinh, ngày đầu tiên vào phổ thông trung học thường đầy những lo lắng. Riêng Marie lại mong mỏi đến ngày ấy. Cô đã đăng ký tất cả những môn mình muốn học. Cô đã có được những mối quan hệ bạn bè người thân. Cô có được cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó.

Nhưng vào ngày đầu tiên ấy, một tư vấn viên đến trường và thông báo với Marie rằng gia đình nuôi cô đã mất giấy phép cho diện foster care. Cô sẽ không được phép ở cùng họ nữa. Vị tư vấn viên không giải thích cụ thể gì thêm.

“Tôi chỉ biết khóc,” Marie nói. “Tôi được họ cho đúng 20 phút để đóng gói đồ đạc và cứ thế đi.”

Cho đến khi một giải pháp lâu dài được tìm ra, Marie được chuyển đến sống cùng Shannon và chồng bà ở Bellevue, vùng ngoại ô công nghệ đang phất lên phía đông Seattle. Shannon, một nhân viên bất động sản và đã làm foster mom nhiều năm, từng biết Marie trước đó qua vài buổi gặp gỡ với trẻ có quá khứ bất hảo, ở cô bà nhận thấy một cảm giác tình thân.

Cả hai cùng có cái gì đó “hơi ngố”, Shannon mô tả. “Chúng tôi đều có thể chọc quê nhau và cười đùa vui vẻ. Chúng tôi tính cách rất giống nhau.” Bất chấp tất cả những gì Marie từng trải qua, “tâm tính con bé không hề khó chịu,” Shannon nói. Marie luôn giữ liên lạc với những gia đình nuôi mình trước đó. Cô có thể trò chuyện đĩnh đạc với người lớn. Cô không để ai phải đẩy mình ra cửa mới chịu đến trường.

Nhưng dẫu rất yêu thương Marie, Shannon biết rằng vợ chồng bà không thể giữ cô bé, vì khi đó hai người đã nhận cưu mang một đứa trẻ khác vốn cần rất nhiều quan tâm chăm sóc. “Vợ chồng chúng tôi thực sự đã rất buồn vì không thể giữ con bé bên cạnh.” Shannon nói.

Marie chuyển ra khỏi nhà Shannon sau vài tuần để đến sống cùng Peggy Cunningham, một phụ nữ làm công tác bảo vệ quyền lợi trẻ em tại một mái ấm cho người vô gia cư và sống tại Lynnwood, một vùng ngoại ô nhỏ hơn cách Seattle 15 dặm về phía Bắc. Cô là đứa trẻ foster đầu tiên Peggy nhận cưu mang.

“Ban đầu tôi tưởng mình sẽ nhận nuôi một đứa bé baby. Tôi đã chuẩn bị hẳn một chiếc nôi rồi đó chứ – thế rồi họ đưa đến cho tôi một đứa 16 tuổi,” Peggy cười lớn nhớ lại. “Rồi mọi thứ cũng ổn. Tôi có sẵn nền tảng về sức khoẻ tâm lý và tôi có kinh nghiệm lâu năm làm việc với trẻ em. Mà tôi đoán phía nhân viên cũng nghĩ, “Peggy có thể lo liệu được.” Nên họ quyết thế.”

Ban đầu, Marie không muốn sống cùng Peggy. Marie vốn quen với việc sống cùng những đứa trẻ khác. Ở với Peggy cô chỉ có một mình. Marie thích chó. Peggy lại nuôi hai con mèo. “Tính tình hai bên hồi đầu cũng không hợp nhau nữa.” Marie nói. “Không dễ gì mà cả hai có thể kết thân. Với tôi lúc đó giống như người ngoài đánh giá tôi khác với những gì tôi tự ngẫm về bản thân vậy.”

Peggy nhận được một tập hồ sơ dày đến 5-7 cm ghi chép về tiểu sử lai lịch của Marie, bà đã ngạc nhiên khi thấy Marie đương đầu với quá khứ tốt như vậy. Marie thích các chàng trai, thích vẽ và âm nhạc, từ rock đến nhạc đồng quê, hay thậm chí nhạc phúc âm. “Con bé rất sôi nổi và tràn đầy năng lượng, nhưng thỉnh thoảng con bé có thể nổi xung lên.” Peggy nói. Giống như mọi đứa trẻ khác, Marie muốn hoà nhập với bạn đồng trang lứa. Cô chọn mua một chiếc áo khoác trắng nữ tính, phối với cổ áo lông thú vì cô tin đó là thời trang đang thịnh của các cô gái, nhưng rồi sau đó lại cất chiếc áo khoác trong tủ khi nhận ra đó không phải mốt.

Sau khi thấy ngôi trường phổ thông Marie đang theo học không thực sự phù hợp – “toàn những đứa chơi theo bè theo phái,” Peggy tả – Peggy đã tìm một ngôi trường khác cho cô. Marie ổn định cuộc sống. Cô vẫn liên lạc gần gũi với Shannon, đến mức Shannon đùa rằng bà và Peggy nuôi nấng Marie cùng nhau – Shannon sẽ là vị phụ huynh vui vẻ thoải mái (‘Đi bơi thuyền không?’), còn Peggy là vị phụ huynh nghiêm khắc kỷ luật (‘Nhớ về nhà trước…’).

Qua bạn bè, Marie quen Jordan Schweitzer, một học sinh trung học phổ thông làm thêm ở tiệm McDonald’s. Theo thời gian, cả hai chuyển từ tình bạn sang tình yêu. “Bạn ấy thực sự là một người tử tế bên cạnh. Luôn rất dễ chịu để cùng trò chuyện,” Jordan mô tả.

Marie nhận ra những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời mình là hồi cô mười sáu và mười bảy tuổi, và những ngày hạnh phúc nhất có lẽ là thời gian cùng người bạn thân nhất của mình, một học sinh trung học khác, khi bạn ấy dạy Marie về nhiếp ảnh.

“Tôi có khi dành hàng giờ liền trên bờ biển, ngắm hoàng hôn và mặt trời lặn, đó là một trong những sở thích của tôi. Tôi có một tấm ảnh do bạn ấy chụp mà tôi cực kỳ thích. Chúng tôi hôm ấy ra biển chơi, trời đã tầm 7 giờ tối gì đó, tôi không nhớ mình đã nghĩ gì, tôi cứ thế nhảy xuống biển rồi trồi lên mặt nước và hất ngược mái tóc ra sau.”

Thay vì học hết phổ thông, Marie ôn thi lấy bằng Phát triển Giáo dục Tổng quát (GED). Cô lên 17 tuổi, bắt đầu về khuya, làm Peggy lo lắng, khiến mối quan hệ hai người căng thẳng. Mùa xuân năm 2008, Marie tròn 18. Cô được phép ở lại với Peggy, quy định có cho phép vậy. Nhưng Marie muốn bắt đầu cuộc sống tự lập.

Peggy tìm trên mạng, thấy một chương trình thí điểm tên Project Ladder. Mới hoạt động được một năm, chương trình được xây dựng nhằm giúp những thanh niên lớn lên trong foster care chuyển sang sống độc lập. Họ có đội ngũ nhân viên phụ trách theo từng trường hợp, nhân viên này sẽ hướng dẫn cho các thanh niên tham gia chương trình những gì nên làm và không nên làm khi đi chợ, khi xử lý thẻ tín dụng, khi mua bảo hiểm. “Đều là những nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống,” theo lời Marie. Hơn hết, Project Ladder cung cấp nhà ở trợ cấp, với mỗi thành viên được cấp một căn hộ một phòng ngủ.

“Đó là ơn trời ban,” Peggy nhớ lại.

Dù còn rất ít suất, nhưng Marie vẫn giành được một phần hỗ trợ. Cô có chút sợ hãi, nhưng mọi bối rối sợ sệt đều bị cảm giác tự hào át đi. Cô chuyển đến sống trong khu chung cư Alderbrooke, một khu phức hợp lát nhiều gỗ, được quảng cáo nằm gần một khu mua sắm và có view nhìn ra rặng núi Cascades. Cô cũng đã tìm được công việc đầu tiên, giới thiệu các món ăn thử ở Costco. Công việc đòi hỏi đứng suốt sáu tiếng không làm cô khó chịu. Cô thích trò chuyện cùng mọi người, thoát khỏi áp lực phải bán được hàng.

Rất nhiều đứa trẻ, bị hoàn cảnh vùi dập, cuối cùng rơi vào nghiện ngập hoặc trại giam. Riêng Marie đã vượt qua hết những cạm bẫy đó.

“Sống tự lập khi đó thật tuyệt vời, không phải gò ép theo các quy định như hồi tôi còn sống ở các gia đình foster,” Marie nói. “Cảm giác như là, tự do vậy.”

“Cực kỳ tuyệt vời.”

 

NGÀY 6 THÁNG 1, 2011

GOLDEN, COLORADO

Buổi sáng sau vụ cưỡng hiếp ở Golden, Galbraith hối hả đến văn phòng, và làm theo lời chồng dặn. 9 giờ 7 phút, chị gửi một email đến Cục Cảnh sát Westminster. Tựa đề thư ghi “Tấn công tình dục tương tự?”

Điều tra viên ở Westminster, tên Edna Hendershot vừa mới an vị vào chỗ ngồi với ly Starbuck như thường lệ: cỡ Venti, lớp sữa ở dưới, lớp macchiato caramel ở trên. Chị bấm mở email và tâm trí lập tức bị kéo tuột về 5 tháng trước đó, vào một ngày Thứ Ba khô nồng của tháng 8 năm 2010. Chị tiếp nhận cuộc gọi cảnh sát về một vụ cưỡng hiếp tại một khu chung cư cho dân lao động ở góc tây bắc của thành phố. Một người phụ nữ 59 tuổi kể lại bà đang ngủ trong nhà thì một người đàn ông nhảy lên lưng. Hắn ta đeo một mặt nạ đen. Hắn trói tay bà lại. Hắn chôm chiếc máy ảnh Sony Cyber-shot màu hồng của bà và dùng nó để chụp ảnh bà lại. Xong xuôi, hắn bắt bà đi tắm. Hắn dùng chiếc đồng hồ báo giờ trong bếp để cài thời gian bà được phép bước ra khỏi nhà tắm. “Tôi nghĩ trong tương lai bà không nên để cửa sổ mở nữa,” gã đàn ông nói với người goá phụ mới mất chồng không lâu.

Còn nữa. Hendershot nhớ khi đang điều tra về vụ án này, một cảnh sát khác đã báo với chị về một vụ khác vào tháng 10 năm 2009 ở Aurona, vùng ngoại ô phía bên kia Denver. Ở đó, một phụ nữ 65 tuổi báo với cảnh sát rằng bà bị cưỡng hiếp trong căn hộ của mình bởi một người đàn ông quấn khăn đen quanh mặt. Hắn trói tay bà bằng một chiếc ruy băng. Hắn chụp ảnh bà lại và doạ sẽ đăng lên mạng. Trong khi tấn công, hắn quật đổ một con gấu bông vàng trên bàn phòng ngủ của bà. “Cậu nên tìm giúp đỡ,” nạn nhân, làm quản lý hội nam sinh viên địa phương, nói với gã đàn ông. “Giờ thì đã quá muộn rồi,” hắn đáp.

Cảnh sát thường kín tiếng về các vụ án của mình, do e ngại rằng thông tin nếu rò rỉ có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Họ thường không biết đến, hoặc không biết sử dụng, một hệ thống dữ liệu do FBI xây dựng từ nhiều năm trước nhằm tóm những kẻ phạm tội nhiều lần. Các nghiên cứu đã chỉ ra khoảng một phần tư đến hai phần ba những kẻ hiếp dâm là tội phạm nhiều lần.

Nhưng Hendershot ngay lập tức đã nhìn ra được tiềm năng của việc kết hợp phá án và việc sử dụng mọi công cụ có thể. “Hai ba cái đầu có khi vẫn tốt hơn một, phải không?” Chị nói. Galbraith cũng đồng quan điểm. Cục cảnh sát của chị khá nhỏ – chỉ khoảng hơn 40 nhân viên phục vụ cho một thị trấn 20.000 dân. Nên sẽ càng hiệu quả hơn khi các lực lượng phối hợp. “Tôi chẳng thấy có vấn đề gì khi mình chìa tay xin giúp đỡ,” Galbraith nói. “Hãy cùng nhau làm mọi thứ có thể để tóm hắn.”

Một tuần sau đó, Galbraith, Hendershot và Điều tra viên của Aurora tên Scott Burgess ngồi lại quanh bàn họp ở sở cảnh sát Westminster. Họ so sánh các vụ điều tra. Những mô tả về kẻ tấn công đều tương tự nhau. Phương pháp của hắn cũng vậy. Nhưng có một điểm chốt: người phụ nữ trong vụ của Galbraith đã giữ tập trung trong quá trình bị tấn công, cố ghi nhớ các chi tiết. Bà nhớ được chiếc máy ảnh hắn dùng để chụp. Đó là một chiếc Sony hồng – chi tiết trùng khớp với mẫu máy ảnh bị cuỗm khỏi căn hộ của nạn nhân ở Westminster.

Galbraith và Hendershot không hề quen biết nhau cho đến buổi gặp mặt. Nhưng cuộc săn lùng kẻ cưỡng hiếp này đã đoàn kết họ lại. Là nữ cảnh sát, cả hai cùng là thành viên của hội sinh viên nữ hoạt động trong một hội nam sinh lớn. Tỷ lệ nữ giới trong đội ngũ hành pháp ở Mỹ trung bình là 13%. Các chức vụ cao trong ngành vẫn đa phần nam chiếm ưu thế, thường theo phong cách gia trưởng hoặc quân phiệt. Nhưng cả hai người phụ nữ đều đã tạo được chỗ đứng cho mình. Họ đã có thăng tiến cao trong hàng ngũ.

Hai người thân thiết nhanh chóng và dễ dàng. Cả hai cùng cởi mở. Họ chọc nhau những câu đùa ngắn và cùng phì cười. Galbraith trẻ tuổi hơn. Chị năng nổ, tràn đầy năng lượng. Chị có thể lao “cả trăm dặm một giờ về một phía,” một đồng nghiệp mô tả. Hendershot lại trải đời hơn. Trong sự nghiệp, chị đã điều tra đến hơn 100 vụ cưỡng hiếp. Cẩn trọng, chăm chỉ, chuẩn xác – chị bù trừ cho Galbraith. “Đôi khi, vì mải mê lao trăm dặm một giờ, người ta dễ bỏ sót một vài dấu vết,” đồng nghiệp kia chỉ ra.

Những nỗ lực đầu tiên của họ để xác định danh tính kẻ tấn công sớm rơi vào bế tắc. Cảnh sát Golden lấy được một đoạn video giám sát ở lối ra vào của khu chung cư mà nạn nhân của Galbraith tấn công. Một điều tra viên đã ngồi xem hết đoạn video 12 tiếng mờ tịt. Anh tỉ mẩn đếm được 261 phương tiện và người ra vào trong buổi tối xảy ra án. Có một đầu mối khả dĩ. Vào tầm giờ trước bình minh, một chiếc xe bán tải Mazda trắng đã xuất hiện 10 lần. Đó có thể là kẻ tấn công đang đợi nạn nhân ngủ say? Nhưng những nỗ lực xác định chủ chiếc xe đều thất bại. Biển xe quá mờ để đọc được con số.

Nhiều tuần bắt đầu trôi qua, thế bế tắc vẫn chưa được giải. Hendershot chuyển hướng sang cơ sở dữ liệu được thiết kế để bắt được các thủ phạm cưỡng hiếp nhiều lần bằng cách kết nối nhiều vụ án ở các cơ quan xét xử khác nhau. Cách này lại dẫn đến những bế tắc khác. Cảm giác nản lòng tăng lên. “Sẽ có nạn nhân nào đó tiếp tục bị hại mất,” Galbraith nghĩ, càng thêm lo lắng.

Đến cuối tháng Một, nhóm điều tra quyết định mở rộng phạm vi. Hendershot nhờ một nhân viên phân tích tội phạm trong cục cảnh sát của mình rà soát ở những cơ quan khác trong vùng để tìm các vụ tương tự. Người này mò được thông tin một vụ án nữa tại Lakewood, một ngoại ô của Denver, xảy ra khoảng một tháng trước vụ Westminster. Thời điểm đó, cảnh sát xếp loại vụ tấn công này là một vụ đột nhập. Nhưng với diễn biến mới này, vụ án rất có vẻ là một vụ cưỡng hiếp bất thành, thực hiện bởi một gã tấn công có cùng mô tả với kẻ cưỡng hiếp hai người đang theo đuổi. Vị phân tích viên nhắn cho Hendershot một tin nhắn, “Chị cần qua gặp tôi ngay bây giờ.”

Bản báo cáo ghi chi tiết vụ một nữ nghệ sĩ 46 tuổi bị một người đàn ông dùng dao khống chế tại tư gia. Hắn ta đeo một chiếc mặt nạ đen. Hắn đã cố trói quặt khuỷu tay nạn nân. Nhưng trong một khoảng khắc gã đàn ông quay đi, người phụ nữ đã kịp vùng nhảy qua cửa sổ phòng ngủ. Cô bị gãy ba chiếc xương sườn và dập một bên phổi sau cú rơi từ độ cao 2 mét, nhưng bù lại cô đã thoát thân.

Các điều tra viên tại hiện trường đã phát hiện ra một vài dấu vết khó hiểu. Cơn mưa giông đã làm ướt khu vực quanh hiện trường trước khi vụ tấn công xảy ra. Cảnh sát tìm thấy dấu giày trên nền đất ẩm ướt bên ngoài phòng ngủ của người phụ nữ. Trên một cửa sổ, họ tìm thấy dấu hoa văn tổ ong.

Những dấu tổ ong. Hendershot chộp lấy đầu mối này. Các điều tra viên hiện trường vụ Westminster cũng phát hiện ra những dấu vết tương tự trên cửa sổ căn hộ của nạn nhân. Hendershot yêu cầu kiểm tra so sánh. Dấu vết tại hai hiện trường vụ án trùng khớp nhau. Chúng cũng trùng với dấu in từ một mẫu găng tay hiệu Under Armour mà một điều tra viên của Lakewood, theo một linh tính, đã phát hiện ra khi đi mua đồ ở một cửa hàng thể thao hãng Dick’s Sporting Goods.

Galbraith kiểm tra các dấu chân để lại tại hiện trường Lakewood. Chúng khớp với những dấu chân trên tuyết bên ngoài căn hộ của nạn nhân ở Golden. Chị đăng tải hình ảnh của các dấu giày lên trang crimeshoe.com, một trang web hứa hẹn có khả năng “từ một tấm ảnh dấu giày không xác định tại hiện trường vụ án có thể cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết đôi giày/dép đó chỉ qua một bước đơn giản”. Trang web, nay đã dừng hoạt động, xác định những dấu giày kia là từ một đôi giày lưới Adidas ZX 700, được bày bán tại các cửa hàng từ tháng 3 năm 2005.

Đến cuối tháng 1 năm 2011, nhóm điều tra kết nối bốn vụ hãm hiếp xảy ra trong khoảng thời gian 15 tháng ở các vùng ngoại ô của Denver. Chuỗi vụ án bắt đầu ở Aurora, phía đông Denver, vào ngày 4 tháng 10 năm 2009, nạn nhân là một người phụ nữ 65 tuổi. Chuỗi án tiếp tục chín tháng sau đó, ở 22 dặm về phía tây, khi kẻ cưỡng hiếp tấn công cô nghệ sĩ ở Lakewood. Một tháng sau đó góa phụ 59 tuổi bị hãm hiếp ở Westminster, khoảng 10 dặm về phía bắc. Và cuối cùng, vào tháng 1 năm 2011 đến cuộc tấn công đối với cô gái sinh viên 26 tuổi ở Golden, khoảng 15 dặm về phía tây nam của Westminster. Nếu điểm các vụ việc lên một tấm bản đồ, bạn sẽ thấy kẻ hiếp dâm như đang đi một vòng qua các hướng đông tây nam bắc quanh Denver.

Galbraith và Hendershot chuyển sang công cụ DNA để xác định kẻ hiếp dâm hàng loạt này. Nhóm điều tra đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ hiện trường vụ án của họ. Các kỹ thuật viên đã quét từng khung cửa sổ, tay nắm cửa, thậm chí cả chốt giật nước trong nhà vệ sinh – bất cứ thứ gì mà kẻ tấn công có thể đã chạm vào. Nhưng thủ phạm rõ ràng đã quen thuộc với cách điều tra của đội hành pháp, thậm chí có khả năng đó là một cảnh sát. Hắn biết cách tránh để lại DNA của mình tại hiện trường. Hắn dùng khăn ướt để lau sạch tinh trùng. Hắn ra lệnh cho những phụ nữ đi tắm sau khi tấn công họ. Hắn đem theo quần áo và chăn gối, ga trải giường của họ khi rời đi.

Hắn hành xử cẩn trọng đến tinh vi. Nhưng không hoàn hảo. Kẻ tấn công đã để lại những dấu vết nhỏ nhất của mình. Các kỹ thuật viên đã phục hồi ba mẫu DNA thủ phạm để lại sau khi tiếp xúc, gọi tắt là DNA tiếp xúc, là chỉ có bảy hoặc tám tế bào da có thể được phân tích bằng các kỹ thuật phòng thí nghiệm hiện đại.

Cảnh sát đã thu thập được một mẫu DNA từ chiếc đồng hồ căn giờ trong bếp ở Westminster. Mẫu thứ hai đến từ cơ thể nạn nhân ở Golden. Và một mẫu nữa trên chú gấu bông ở vụ Aurora.

 

NGÀY 11 THÁNG 8 NĂM 2008

ĐỊA ĐIỂM: LYNNWOOD, WASHINGTON

Vài phút trước 9 giờ sáng thứ Hai, hai cảnh sát điều tra tại Lynnwood đến khu chung cư Alderbrooke sau cuộc gọi báo cảnh sát về một vụ cưỡng hiếp. Một số cảnh sát đã có mặt ở đó, bảo vệ hiện trường vụ án. Một sĩ quan K-9 đang làm công tác dò tìm ở bên ngoài, chú chó nghiệp vụ của anh cố gắng đánh hơi bất cứ mùi lạ nào quanh đó.

Hai điều tra viên, Thượng sĩ Jeffrey Mason và Jerry Rittgarn, tìm thấy nạn nhân, Marie, ngồi trên một chiếc ghế dài, người quấn chăn, và cô đang chỉ biết khóc và khóc. Cạnh cô là mẹ nuôi Peggy Cickyham và kế đó là Wayne Nash, nhân viên phụ trách cô trong Project Ladder.

Marie, 18 tuổi ba tháng, thuật lại với cảnh sát rằng cô đã nói chuyện điện thoại với bạn mình Jordan gần như cả đêm. Sau đó, cô ngủ thiếp đi, và cuối cùng bị đánh thức bởi một người đàn ông, hắn dí dao vào người cô dao – và sau đó trói cô lại, bịt mắt và miệng cô và hãm hiếp cô. Hắn có đeo bao cao su, cô tin là vậy. Về phần ngoại hình của kẻ tấn công, Marie chỉ có thể cung cấp rất ít chi tiết. Một gã da trắng, mặc áo len xám. Vụ tấn công dường như kéo dài rất lâu, Marie kể với cảnh sát, nhưng cô không thể nói chắc. Mọi việc trong đầu cô rất nhoà ảo.

Marie kể rằng sau khi kẻ cưỡng hiếp rời đi, cô đã xoay sở dùng chân để lấy chiếc kéo từ ngăn tủ dưới cùng; cô tự cắt dây giải thoát mình, rồi cố gắng gọi Jordan. Khi Jordan không nghe máy, Marie lại gọi cho mẹ nuôi, và sau đó kêu cứu hàng xóm lầu trên, chính hàng xóm là người đã xuống căn hộ của Marie và gọi cho 911.

Thượng sĩ Mason, khi đó 39 tuổi, kinh nghiệm chủ yếu là công tác tuần tra và điều tra ma túy. Cơ quan hành pháp anh gắn bó lâu nhất là một sở cảnh sát nhỏ ở Oregon, anh công tác ở đó gần chín năm và nhận một huy chương danh dự. Anh được sở cảnh sát Lynnwood huy động vào năm 2003 và phục vụ trong một đội đặc nhiệm ma túy. Mason được thăng cấp thượng sĩ – và được chuyển đến Đội điều tra hình sự – sáu tuần trước cuộc gọi báo cảnh sát về vụ tấn công của Marie. Trước đây anh ta mới chỉ tham gia điều tra một hai vụ cưỡng hiếp. Nhưng tới vụ này, anh được giao làm chỉ huy điều tra.

Còn Rittgarn đã công tác ở sở Lynnwood 11 năm, trong đó bốn năm gần đây anh được bổ nhiệm làm điều tra viên. Trước công việc này, anh từng làm kỹ thuật viên trong ngành hàng không vũ trụ. Trước đó nữa, anh từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến, chuyên về máy bay trực thăng hàng không.

Sở cảnh sát Lynnwood có 79 sĩ quan tuyên thệ, địa bàn phục vụ là một thành phố khoảng 34.000 dân. Năm 2008, vụ án của Marie là một trong 10 vụ hiếp dâm mà sở phụ trách; với nhân lực ít ỏi, Phòng Điều tra Tội phạm đã không có một đơn vị tội phạm tình dục chuyên trách.

Vào thời điểm tấn công của Marie xảy ra, các chuyên gia đã phát triển những bộ quy tắc chuẩn mực cho ngành điều tra tội phạm tình dục, xác định rõ những thách thức và tính chất nhạy cảm khi điều tra các vụ hiếp dâm. Những hướng dẫn này, có sẵn cho tất cả các sở cảnh sát, ghi rõ những sai lầm phổ biến của cảnh sát.

Bản hướng dẫn nêu rõ các điều tra viên KHÔNG nên định kiến rằng: nạn nhân thực sự phải hoảng loạn mới đúng, thay vì bình tĩnh, hay nạn nhân phải cho thấy dấu hiệu rõ ràng của chấn thương thể chất; và nạn nhân phải chắc chắn, nhớ rõ từng chi tiết vụ việc. Một số nạn nhân nhầm lẫn những chi tiết có vẻ hiển nhiên, hoặc thậm chí là rút lại lời khai. Cảnh sát cũng không nên lạc vào việc quy chụp những hình mẫu định kiến – ví dụ như tin rằng người trưởng thành sẽ uy tín hơn nạn nhân tuổi thanh thiếu niên.

Cảnh sát không nên thẩm vấn nạn nhân hoặc đe dọa sử dụng thiết bị phát giác nói dối. Các bài kiểm tra nói dối đặc biệt không đáng tin cậy với những người đã bị chấn thương tâm lý, và có thể hủy hoại niềm tin của nạn nhân đối với công tác hành pháp. Nhiều bang đã cấm cảnh sát sử dụng biện pháp này với nạn nhân hiếp dâm.

Cảnh sát khi dò quét quanh căn hộ của Marie đã phát hiện ra cửa kính trượt phía sau đã bị mở khóa và vẫn còn hơi hé ra. Cánh cửa dẫn đến một lối hiên sau, với một lan can bằng gỗ phủ đầy bụi bẩn – ngoại trừ một mảng khá sạch rộng gần 1 mét, giống như ai đó đã quẹt qua bề mặt khi trèo qua. Trên giường, cảnh sát tìm thấy một sợi dây giày – có lẽ được sử dụng để trói Marie. Trên màn hình máy tính, họ tìm thấy sợi dây giày thứ hai, được buộc vào một cặp đồ lót, rõ ràng dùng để bịt mắt hoặc bịt miệng. Cả hai sợi dây buộc đều đến từ đôi giày tennis màu đen của Marie, trong phòng khách. Bên cạnh giường là một con dao cán đen. Marie nói rằng con dao là của cô – rằng nó từ nhà bếp và là vũ khí mà kẻ hiếp dâm đã sử dụng để đe dọa cô. Cảnh sát tìm thấy giỏ của Marie trên sàn phòng ngủ, ví của cô trên giường và giấy phép lái xe tạm thời cho người đang tập lái – vì một lý do nào đó đã bị móc ra khỏi chiếc ví – bị quăng trên bệ cửa sổ phòng ngủ.

Thượng sĩ Mason nói với Marie rằng cô cần phải đến bệnh viện để kiểm tra tấn công tình dục. Sau khi Marie rời đi cùng với mẹ nuôi và người phụ trách, các điều tra viên ở lại tiếp tục xử lý hiện trường. Cố gắng tìm kiếm một bao cao su hoặc vỏ bao, Rittgarn kiểm tra phòng tắm, thùng rác và cả vạt sườn đồi gần nhà, nhưng trở về tay trắng. Chú chó nghiệp vụ, ở bên ngoài hiện trường, đã lần theo dấu vết mùi hương về phía nam, tới một tòa nhà văn phòng, nhưng không thể đưa các sĩ quan đến bất kỳ đầu mối khả dĩ nào có thể xác định được kẻ hiếp dâm.

Tại bệnh viện, nhân viên y tế đã dùng hơn một chục miếng gạc thu thập dấu vết từ cơ thể Marie. Họ tiến hành xét nghiệm viêm gan, bệnh lây qua đường tình dục chlamydia, HIV. Marie cũng được cho dùng kháng sinh Zithromax và Suprax vì có nguy cơ phơi nhiễm các bệnh tình dục, và uống thuốc tránh thai khẩn cấp.

Hồ sơ y khoa ghi nhận các vết xước ở cổ tay và âm đạo của Marie. Vết bầm tím trên cổ tay phải của cô đo được dài 6,5 cm, và bên trái là 7 cm.

Trong quá trình xét nghiệm, hồ sơ y khoa cho biết, Marie tỏ ra “tỉnh táo và sáng suốt, và không có dấu hiệu cụ thể của đau đớn.”

Vào ngày cô báo cảnh sát mình bị hãm hiếp, Marie gọi điện cho Shannon, mẹ nuôi cũ của mình, sau khi trở về từ bệnh viện. “Con bé gọi và nói: Con đã bị cưỡng hiếp’,” Shannon nhớ lại. “Con bé không thể hiện bất kỳ cảm xúc gì. Giống như nó chỉ đang kể với tôi rằng nó mới làm một chiếc bánh sandwich vậy.” Chính thái độ bình thản, không tỏ ra kích động, thậm chí buồn bã, của Marie đã khiến Shannon nghi ngờ liệu Marie có đang nói thật.

Ngày hôm sau, Shannon đến gặp Marie tại căn hộ, mối nghi ngờ càng tăng lên. Trong bếp, khi Shannon bước vào, Marie không hề nhìn vào mắt bà. “Điều đó rất kỳ lạ,” Shannon nói. “Bình thường chúng tôi luôn ôm chào nhau và con bé sẽ nhìn thẳng vào mắt tôi.” Khi vào phòng ngủ, Marie vẫn tỏ ra bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng một sự việc khủng khiếp vừa mới xảy ra ở đó. Khi ra ngoài, Marie “nằm trên bãi cỏ, lăn lộn và khúc khích và còn cười lớn,” Shannon nói. Và khi hai người đi mua bộ chăn giường mới – bộ cũ của Marie đã bị cảnh sát giữ làm bằng chứng điều tra – Marie bỗng nổi đoá khi không thể tìm thấy bộ tương tự. “Tại sao có người sau khi bị hãm hiếp trên chính một bộ chăn giường lại muốn dùng một bộ chăn và trải giường giống hệt nó, rồi phải nhìn thấy nó mỗi ngày?” Shannon đã tự hỏi.

Peggy cũng vậy, bà cũng thấy khó hiểu trước thái độ kỳ quái của Marie. Khi Marie gọi bà vào ngày xảy ra vụ việc, trước khi cảnh sát đến, “con bé đã khóc lóc rất nhiều và tôi gần như không thể nghe nổi một lời,” Peggy nói. “Giọng con bé cứ léo nhéo như này, và tôi thực sự không mô tả nổi. Với tôi nó nghe không thật chút nào…. Nó nghe rất kịch, ra chiều thảm thiết, kiểu kiểu vậy.” Ở thời điểm đó, Peggy mới nhận nuôi hai đứa trẻ mới – hai chị em, đều ở tuổi teen. Không lâu trước đó, Marie đã cùng với Peggy và hai đứa em mới và bạn trai của Peggy đi dã ngoại. Theo cảm nhận của Peggy, Marie có vẻ đã dành cả buổi chiều hôm đó để cố thu hút sự chú ý của bà – đến nỗi giờ đây, Peggy tự hỏi liệu vụ này có lại giống như vậy không, chỉ là ở mức tuyệt vọng hơn.

Vội vã đến căn hộ ngay sáng hôm đó, Peggy tìm thấy Marie đang nằm trên sàn nhà, khóc. “Nhưng có cái gì đó rất lạ, vì khi tôi ngồi xuống bên cạnh con bé, và lúc Marie đang kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra, bỗng dưng tôi có cảm giác – mà bình thường tôi cũng là fan bự của phim Law & Order nữa (phim truyền hình Mỹ, kiểu Cảnh sát Hình sự của Việt Nam – N N), tôi cứ có cảm giác thực sự kỳ lạ làm sao đó,” Peggy nói. “Nó giống như… tôi thấy như con bé chỉ đang ngồi kể cho mình nghe kịch bản của một tập phim Law & Order vậy.” Một phần là vì những chi tiết khó tin mà Marie kể. Tại sao một kẻ hiếp dâm lại dùng dây giày để trói? Và một phần là vì cách Marie mô tả lại: “Con bé tỏ ra dửng dưng và chẳng có chút cảm xúc.”

Hai người phụ nữ từng giúp nuôi Marie gọi điện thoại cho nhau. Peggy nói với Shannon rằng bà có cảm giác nghi ngờ về chuyện này. Shannon đáp bà cũng vậy. Cả hai đều chưa từng thấy Marie là kẻ nói dối bao giờ – dù con bé có đôi lúc hơi làm quá, đúng, để gây chú ý, cũng đúng thôi – nhưng bây giờ, cả hai người đều thấy mình không đơn độc khi nghi ngờ khả năng Marie dựng chuyện.

Vào ngày 12 tháng 8, một ngày sau khi Marie báo cảnh sát cô bị hãm hiếp, điện thoại của Thượng sĩ Mason reo. Đầu dây bên kia nói họ “từng biết đến hành vi cố gây chuyện để được chú ý của [Marie] trong quá khứ, và người này đang nghi ngờ khả năng ‘vụ hiếp dâm’ có thực sự xảy ra hay không,” Mason đã viết báo cáo lại sau đó.

Trong báo cáo Mason không ghi rõ được người gọi là ai – nhưng đó chính là Peggy.

Bà đã gọi cảnh sát để chia sẻ những hoài nghi của mình. Mason sau đó đến nhà bà để phỏng vấn lấy lời khai. Khi kể với cảnh sát về mối nghi ngờ của mình, bà đã yêu cầu cảnh sát giữ kín danh tính của mình. “Tôi làm chuyện này không phải để hại Marie,” Peggy giải thích. “Thật ra tôi chỉ cố gắng làm một công dân tốt. Tôi không muốn [cảnh sát] lãng phí nguồn lực vào những chuyện drama cá nhân ngớ ngẩn người ta tự dựng lên.”

Ngoài ra, Mason còn nhận được một thông tin bên lề rằng Marie vốn không hài lòng với căn hộ của mình. Có thể cô ấy dựng chuyện bị hãm hiếp để được chuyển sang một căn hộ mới.

Vào ngày 13 tháng 8, Marie đã gặp Mason tại đồn cảnh sát Lynnwood và nộp một bản tường trình, mô tả những gì đã xảy ra. Tường trình chỉ dài một trang. Nhưng với Mason, trong đó có chứa một đoạn quan trọng. Marie kể rằng kẻ tấn công nói cô có thể tự cởi trói cho mình sau khi hắn ta biến mất:

“Sau khi hắn rời đi, tôi dùng miệng với lấy điện thoại của mình (nằm ngay cạnh đầu tôi) và tôi cố gắng gọi lại cho Jordan. Anh ấy không trả lời nên tôi gọi mẹ nuôi của tôi…. Bà ấy đã lập tức sang nhà tôi. Tôi dập máy và cố gắng tự cởi trói cho mình.”

Điều này không khớp với những gì Marie từng thuật lại với Mason. Trước đó, cô nói với vị điều tra viên là mình đã cố gọi cho Jordan sau khi cắt dây trói. Còn trong bản tường trình này, cô mô tả mình gọi anh ta trong khi vẫn đang bị trói.

Cuối ngày hôm đó, Mason nói chuyện với Rittgarn, đồng đội điều tra và nói rằng – dựa trên những mâu thuẫn trong lời khai của Marie, và dựa trên những gì anh ta đã nghe được từ Peggy và Jordan – anh tin rằng Marie đã dựng chuyện.

Hệ thống pháp luật Mỹ vốn có một lịch sử lâu dài về nỗi sợ cáo buộc sai tội hiếp dâm. Từ những năm 1600, Matthew Hale, một chánh án Anh, đã cảnh báo rằng tội hãm hiếp là “một tội trạng cáo buộc dễ dàng nhưng lại khó có thể chứng minh, và càng khó để bảo vệ bị cáo.” Cho đến những năm 1980 các thẩm phán ở Mỹ vẫn thường phải đọc “lời cảnh báo Hale” này cho bồi thẩm đoàn. Nhưng đa số các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng báo án tội hiếp dâm là tương đối hiếm. Số liệu của FBI cho thấy mỗi năm cảnh sát chỉ kết luận khoảng 5% các vụ hiếp dâm là vô căn cứ, hoặc vô lý. Các nhà khoa học xã hội sau khi rà soát tỉ mỉ các hồ sơ cảnh sát và sử dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phương pháp cũng dẫn ra tỷ lệ tương tự: chỉ dừng ở một chữ số.

Sáng hôm sau, Mason đến nhà của Jordan để lấy lời khai. Jordan kể với vị điều tra viên rằng cậu và Marie đã ngừng hẹn hò vài tháng trước nhưng vẫn là bạn tốt. Theo tóm tắt bằng văn bản của Mason, Jordan không nói gì về việc nghi ngờ câu chuyện của Marie. Nhưng cậu có thuật lại những gì Marie đã kể với mình: rằng khi cố gắng gọi cậu vào sáng hôm đó, cô đã sử dụng ngón chân của mình, bởi vì cô bị trói.

Cuối ngày hôm đó – ngày 14 tháng 8, ba ngày sau khi Marie khai báo bị hãm hiếp – Mason gọi cho Marie, hỏi họ có thể gặp trực tiếp không. Anh nói mình có thể đến đón cô, đưa cô đến đồn cảnh sát.

“Tôi đang gặp rắc rối à?” Marie hỏi viên điều tra.

 

 

NGÀY 9 THÁNG 2 NĂM 2011

WESTMINSTER, COLORADO

Vào ngày 9 tháng 2 năm 2011, hơn chục cảnh sát cùng đặc vụ FBI và Cục Điều tra Colorado tập trung lại trong một phòng họp giao ban tại đồn cảnh sát Westminster để thảo luận về tình hình điều tra.

Tình hình đến nay không tốt lắm. Sau năm tuần đày ải, có rất ít đầu mối khả dĩ và không hề có nghi phạm nào. Các phân tích dấu vết DNA tiếp xúc chỉ cho ra kết quả hỗn độn. Các mẫu đã giúp thu hẹp đối tượng tình nghi là một nhóm những nam giới có cùng dòng họ bên nội. Nhưng vẫn không có đủ chất liệu di truyền để xác định cụ thể một cá thể. Do đó, kết quả này quá mỏng để có thể nhập vào cơ sở dữ liệu DNA toàn quốc của FBI, từ đó tìm kiếm những mẫu trùng khớp với nghi phạm.

Galbraith vẫn còn hy vọng. Ít nhất vụ án đã trở nên cụ thể. Nó có cùng một kẻ thủ ác. “Điều này cực kỳ quan trọng,” chị nói. “Nhưng vẫn chưa đủ.”

Khi cuộc họp sắp kết thúc, một nhà phân tích tội phạm trẻ tuổi của sở cảnh sát Lakewood đứng dậy phát biểu. Cô đã rà soát hàng loạt các cuộc gọi cảnh sát về những phương tiện hay người rình mò đáng ngờ trong bán kính một phần tư dặm từ căn nhà nạn nhân ở Lakewood trong sáu tháng qua. Cô phát hiện ra một chi tiết. Nhưng cô không biết nó có quan trọng không.

Ba tuần trước khi xảy ra vụ cưỡng hiếp ở Lakewood, một người phụ nữ đã gọi báo cảnh sát vào tối muộn về một chiếc xe bán tải đáng ngờ đậu bên đường, bên trong có một người đàn ông ngồi. Cảnh sát đã tới kiểm tra, nhưng người đàn ông đã biến mất. Các sĩ quan nộp lại một báo cáo mô tả ngắn gọn về chiếc xe này và vụ việc. Điều thu hút sự chú ý của nhà phân tích là vị trí của chiếc xe đó. Nó đậu cách nhà nạn nhân Lakewood chừng nửa dãy nhà, chỉ cách hiện trường một cánh đồng trống cạnh sân sau.

Chiếc xe bán tải đó là một chiếc Mazda màu trắng đời 1993.

Theo đăng ký, nó là của một người đàn ông ở Lakewood tên là Marc Patrick O’Leary.

Cuộc điều tra ngay lập tức chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Liệu các điều tra viên có thể xác định mối liên hệ giữa chiếc Mazda của O’Leary với hình ảnh mờ nhoè của chiếc Mazda trắng trong đoạn video giám sát ở Golden? Aaron Hassell, điều tra viên trong vụ án Lakewood, chạy vội về văn phòng của mình. Đội xe tuần tra của Lakewood vốn được gắn các camera tự động chụp ảnh mọi biển số xe mà họ đi qua. Kết quả là một cơ sở dữ liệu cho phép tìm kiếm hàng ngàn biển số được ghi chép theo thời gian và vị trí. Hassell thử gõ số biển ghi trong bản báo cáo mới tìm ra: 935VHX. Anh thấy hiện ra một kết quả. Chiếc xe tuần tra ở Lakewood đã chụp một bức ảnh O’Leary đứng cạnh chiếc Mazda màu trắng của mình trước cửa nhà – chỉ hai giờ sau cuộc tấn công vào tháng 8 ở góa phụ ở Westminster.
mazda-720_733-76dee6.png

[ẢNH] Xe bán tải Mazda 1993: Ảnh trích xuất từ camera giám sát cho thấy một chiếc Mazda năm 1993 lái xe quanh khu chung cư ở Golden, Colo., nơi một sinh viên kỹ thuật 26 tuổi bị cưỡng hiếp. Chiếc gương phía ghế hành khách trông như bị gãy. (Nguồn: Cục cảnh sát Golden)

Hassell gửi tấm hình cho Galbraith. Cẩn trọng, cô so sánh chiếc Mazda màu trắng của O’Leary với đoạn băng giám sát. Chị cho dừng hình ở một cảnh, nó cho thấy chiếc Mazda màu trắng trong đoạn băng hiện trường bị vỡ gương bên hành khách. Xe tải của O’Leary cũng vậy. Cả hai phương tiện đều có gắn khớp nối tròn ở đuôi. Cả hai đều có vết bẩn ở phía sau, cùng một vị trí – có lẽ là từ một miếng sticker dán đã bị xé ra.

“Đó chính là kẻ chúng ta đang tìm kiếm”, Galbraith nói.

Hendershot phát hiện xe tuần tra Lakewood đã chụp lại bức ảnh này khi O’Leary đang chuẩn bị đến một chi nhánh của Cơ quan quản lý các phương tiện (DMV) Colorado gần nhà. Hồ sơ ở DMV cho thấy O’Leary đã ngồi chụp ảnh chân dung cho giấy phép lái xe sau vụ tấn công ở Westminster khoảng bốn giờ. Trong bức ảnh là một người đàn ông cao 1m86 với đôi mắt màu lục nhạt. Anh ta 32 tuổi và nặng 100kg. Anh ta mặc áo phông trắng. Đặc điểm ngoại hình gần khớp với mô tả do các nạn nhân cung cấp. Và góa phụ ở Westminster đã nói với Hendershot rằng kẻ cưỡng hiếp bà mặc áo phông trắng khi tấn công mình.

Nhưng Hendershot không quá hấp tấp. “Tôi thấy lên tinh thần hẳn, tôi rất phấn kích,” chị nói. Nhưng “khi đó tôi vẫn chưa đưa ra kết luận vội, kiểu như yay, chúng ta đã tóm được anh.”

Trong 24 giờ sau đó, hơn chục điều tra viên cùng nhau dốc hết sức lực và kinh nghiệm để dò tìm mọi thông tin khả dĩ về O’Leary. O’Leary không có tiền án tiền sự. Anh ta không phải là một tội phạm tình dục có án tích. Anh ta từng phục vụ trong Quân đội.

Galbraith và chồng là David một lần nữa ngồi đối diện trên ghế dài trong phòng khách gia đình. Mỗi người ôm một chiếc laptop để dò mọi kết quả có nhắc đến O’Leary trên mạng, bằng công cụ tìm kiếm khác nhau. Không lâu sau, David mò được một đầu mối. O’Leary đã mua một trang web khiêu dâm vào tháng 9 năm 2008. Họ tự hỏi liệu trên đó có đăng tải hình ảnh các nạn nhân.

Các nhà điều tra quyết định thử lấy mẫu DNA của O’Leary. Mặc dù mẫu DNA phân rã thu được từ hiện trường vụ án không khớp hoàn toàn với DNA của O’Leary, nhưng nó cho thấy có khả năng một người đàn ông trong dòng họ của anh rất có thể đã thực hiện hành vi tội ác. Nếu các điều tra viên có thể loại trừ khả năng phạm tội của các thân nhân nam khác trong nhà O’Leary, họ có thể đưa O’Leary vào diện tình nghi với mức độ chắc chắn cao. “Chúng tôi vẫn phải xác định bằng đường chi tiết này.” Hendershot nói.

Sáng thứ Sáu, ngày 11 tháng 2, các đặc vụ FBI đang theo dõi nhà của O’Leary.

Đó là một ngôi nhà nhỏ, một tầng, mái xám. Nằm cách đó không xa là một trạm xăng, một cửa hàng phụ tùng xe ô tô và một lò mổ nằm giữa khu phố xập xệ. Một dãy hàng rào mắt sắt thấp bao quanh ngôi nhà. Những cây cao, mùa đông trơ ​​trụi lá phủ bóng trên mái. Ngay đầu giờ chiều, các đặc vụ nhìn thấy một người phụ nữ và một người đàn ông trông giống như O’Leary ra khỏi nhà. Họ bám theo cặp đôi đi vào một nhà hàng gần đó và lặng lẽ quan sát cả hai dùng bữa. Khi cặp đôi rời đi, các đặc vụ lao vào nhà hàng. Họ chộp lấy cốc nước trên bàn. Các dấu môi sẽ có vết DNA của anh ta.

Detectives-033-1440_960-1df12a

[ẢNH] Ngôi nhà O’Leary: Marc O’Leary sống cùng anh trai có ngoại hình rất giống anh. Nhưng các đặc vụ FBI đã không biết điều đó khi họ gõ cửa.

Trong khi các đặc vụ đang theo dõi người đàn ông được cho là Marc O’Leary, một nhân viên FBI khác đã đến gõ cửa ngôi nhà. Anh dự tính lắp đặt camera giám sát gần đó và muốn chắc canh tất cả đã đi vắng. Bất ngờ, một người đàn ông mở cửa. Anh ta trông giống y hệt Marc O’Leary. Bối rối, viên đặc vụ viện đến một cớ mẹo vốn được dùng nhiều lần. Anh nói với người đàn ông rằng mình đang đi quanh khu phố để cảnh báo về một vụ trộm trong khu vực. Người đàn ông tự giới thiệu bản thân. Anh ta tên là Marc O’Leary. Anh trai của anh ta, Michael O’Leary, vừa rời đi ăn trưa với bạn gái. O’Leary cảm ơn cảnh sát đã cảnh báo và đóng cửa lại.

Sự xuất hiện của Michael khiến sự việc trở nên rối rắm. Đội điều tra đã không biết rằng Michael sống với anh trai mình. Và cả việc hai người trông rất giống nhau. Họ quyết định cho kiểm tra DNA của Michael O’Leary thu thập từ chiếc cốc nhà hàng, đối chiếu nó với DNA được tìm thấy tại hiện trường các vụ án. Các nhà phân tích tại Cục Điều tra Colorado đã lấy mẫu. Thông thường, một phân tích DNA phải mất vài tháng. Nhưng trong trường hợp này, họ làm việc thâu đêm. Đến 2 giờ chiều ngày thứ Bảy, họ đã có kết quả. DNA từ chiếc cốc khớp với DNA thu thập được từ các nạn nhân. Một người đàn ông nhà O’Leary đã gây án. Nhưng là ai?

Galbraith loại trừ người cha của hai anh em – ông đã quá già và sống ở một bang khác. Nhưng các nhà điều tra chưa thể loại trừ Michael là nghi phạm. Có thể chính Michael đã phạm tội hiếp dâm. Hay thậm chí là Michael và Marc đã thông đồng cùng nhau. Họ cần thêm thông tin.

Galbraith vội vàng gõ lệnh khám xét nhà của anh em. Bên ngoài trời đã tối. Chị gọi điện cho vị thẩm phán trực vào cuối tuần để xin phê duyệt. Ông ta khăng khăng đòi một bản fax. Galbraith lao đến một cửa hàng Safeway gần nhà để gửi lệnh khám. Vị thẩm phán ký nó vào 10 giờ tối thứ bảy.

Galbraith biết chính xác mình cần tìm kiếm điều gì. Chị tin tưởng vào trí nhớ nạn nhân của mình. Là vết chàm đen trên chân hắn.

Chị gửi email cho một nhà phân tích tội phạm tại một sở cảnh sát khác, “Tôi rất cần nhìn thấy cẳng chân của người đàn ông này! CỰC KỲ CẦN.”

NGÀY 14 THÁNG 8 NĂM 2008

LYNNWOOD, WASHINGTON

Theo kinh nghiệm của Thượng sĩ Mason, một khi ai đó hỏi liệu họ có đang gặp rắc rối không, thì gần như chắc chắn là họ có.

Khi Mason, cùng với Điều tra viên Rittgarn, đến đón Marie vào khoảng 3:30 chiều, họ thấy cô đang đợi bên ngoài căn hộ, ngồi trên bãi cỏ. Cả ba cùng đến đồn cảnh sát Lynnwood, và hai điều tra viên hộ tống Marie vào phòng họp.

Theo như những gì Mason viết sau đó, anh không vòng vo mà lập tức đối chất với Marie, nói với cô rằng có mâu thuẫn giữa lời khai của cô và lời kể từ các nhân chứng khác. Marie cho biết cô không thấy có gì thiếu nhất quán nào ở đây. Nhưng Marie vẫn kể lại câu chuyện một lần nữa – chỉ có điều lần này, cô nói cô tin rằng vụ hãm hiếp đã xảy ra, thay vì chắc chắn. Nước mắt như mưa, cô kể về quá khứ của mình – về tất cả các cha mẹ nuôi, về việc cô bị hãm hiếp năm 7 tuổi, có được căn nhà cho riêng mình và cảm giảc cô đơn. Rittgarn nói với Marie rằng câu chuyện của cô và bằng chứng không khớp nhau. Anh nói rằng theo anh cô đã dựng lên toàn bộ câu chuyện – từ một phút bốc đồng, chứ không phải là một kế hoạch được lên từ trước. Anh hỏi cô liệu thực sự có một kẻ hiếp dâm đang ẩn nấp quanh khu phố mà cảnh sát cần phải tìm kiếm không. “Không,” Marie trả lời, giọng cô lí nhí, đôi mắt cụp xuống.

“Dựa trên câu trả lời và ngôn ngữ cơ thể của cô ta khi đó, rõ ràng là [Marie] đã nói dối về vụ cưỡng hiếp,” theo ghi chép sau đó của Rittgarn.

Không hề đọc cho Marie nghe về quyền của cô – “bạn có quyền thuê luật sư, bạn có quyền giữ im lặng” – các điều tra viên đã yêu cầu Marie viết ra phiên bản có thật của câu chuyện, thừa nhận rằng cô ta đã nói dối, thừa nhận rằng, thực chất, cô ta đã phạm pháp. Cô đồng ý làm theo, nên họ để cô một mình trong vài phút. Trên mẫu đơn, cô điền tên, địa chỉ và số An sinh xã hội, sau đó cô viết, trích:

“Tôi gọi điện thoại với Jordan tối hôm đó về những chuyện lặt vặt. Sau khi dập máy, tôi bắt đầu suy nghĩ về tất cả những điều khiến tôi bị căng thẳng và tôi cũng sợ phải sống một mình. Khi chìm vào giấc ngủ, tôi mơ thấy có ai đó đột nhập và cưỡng hiếp tôi.”

Khi các điều tra viên quay lại, họ thấy bản tường trình mới của Marie mô tả vụ cưỡng hiếp là một giấc mơ, không phải là lời nói dối.

Tại sao cô không viết rằng cô đã dựng lên câu chuyện? Rittgarn hỏi.

Marie khóc, nói rằng cô tin vụ cưỡng hiếp thực sự đã xảy ra. Cô đập bàn và nói cô “khá chắc chắn”.

Khá chắc chắn hay hoàn toàn chắc chắn? Rittgarn hỏi lại.

Có thể vụ hiếp dâm đã xảy ra và tôi đã cố gạt nó khỏi trí nhớ, Marie nói.

Theo cô chuyện gì sẽ xảy ra với một người sẵn sàng nói dối về chuyện như thế này? Rittgarn hỏi Marie.

Tôi cần được tư vấn, Marie nói.

Mason quay lại với bằng chứng. Anh nói với Marie rằng lời khai của cô về cuộc gọi với Jordan khác với những gì Jordan đã kể lại.

Marie ôm mặt, nhìn xuống. Rồi sau đó “mắt cô ta đảo qua đảo lại như thể đang nghĩ đến câu trả lời.”

Các điều tra viên cùng nhau nhắc lại những gì cô mới nói – về việc bị căng thẳng, cô đơn – và cuối cùng, Marie tỏ ra thư giãn hơn. Cô ngừng khóc. Cô thậm chí còn cười phá lên một chút. Cô xin lỗi – và đồng ý viết một bản tường trình khác, khiến đối phương chắc canh đó là lời nói dối.

“Tôi có rất nhiều chuyện căng thẳng đang xảy ra và tôi muốn được ở bên ai đó nhưng không ai chịu vì vậy tôi đã dựng lên câu chuyện này và không ngờ nó lại đi xa như thế. Tôi không biết sao mình không làm điều gì khác. Tất cả những chuyện này tôi không bao giờ cố ý gây ra.”

Các điều tra viên tỏ ra hài lòng với bản tường trình này. Rittgarn sau đó viết, “Dựa trên cuộc thẩm vấn của chúng tôi với [Marie] và những điểm mâu thuẫn mà Thượng sĩ Mason phát hiện trong một số bản tường trình và lời khai, chúng tôi tin chắc rằng [Marie] lần này đã nói thật với chúng tôi, rằng cô ta đã không bị cưỡng hiếp.”

Đối với Marie, cuộc thẩm vấn như kéo dài hàng giờ. Cô chọn cách thường làm khi bị căng thẳng. Cô gọi đó là tắt công tắc cảm giác, kìm nén xuống tất cả những cảm xúc mà cô không biết phải làm gì với chúng. Trước khi thú nhận mình dựng lên câu chuyện, cô đã không thể nhìn thẳng vào mắt hai điều tra viên – hai người đàn ông trước mặt. Nhưng sau đó, cô ấy có thể làm điều ấy. Sau đó, cô mỉm cười. Cô đi vào phòng tắm và rửa mặt mũi sạch sẽ. Tắt công tắc cảm giác là một sự giải thoát – và nó cũng sẽ giúp cô ấy rời khỏi đây.

Ngày hôm sau, Marie nói với Wayne Nash, người phụ trách hồ sơ của cô tại Project Ladder, rằng cảnh sát không tin cô. Nhận ra nguy cơ mình đang gặp phải, cô nói rằng cô muốn có một luật sư.

Thay vào đó, các phụ trách ở Project Ladder đã liên hệ với Thượng sĩ Mason. Anh cho họ biết các bằng chứng không ủng hộ câu chuyện của Marie và rằng cô đã rút lại câu chuyện ban đầu của mình.

Nhưng bây giờ, Marie không chịu nhượng bộ. Vào ngày 18 tháng 8, một tuần sau khi cô báo cảnh sát mình bị hãm hiếp, Marie gặp hai người phụ trách ở Project Ladder và khẳng định mình đã ký vào bản khai mới do bị ép buộc. Cả ba sau đó đã đến đồn cảnh sát để Marie có thể rút lại lời khai mới – như vậy đồng nghĩa với việc khẳng định với các điều tra viên rằng cô đã nói sự thật ngay từ đầu.

Trong khi các phụ trách đợi bên ngoài, Marie đã gặp Rittgarn và một sĩ quan khác.

Rittgarn hỏi Marie chuyện gì đang xảy ra. Marie nói cô thực sự đã bị hãm hiếp – và bắt đầu khóc, nói rằng cô đang có cảm giác như gã đàn ông đó đang đè xuống người mình. Cô muốn làm một bài kiểm tra phát hiện nói dối. Rittgarn nói với Marie rằng nếu cô làm bài kiểm tra và thất bại, cô sẽ bị tống vào tù. Hơn nữa, anh sẽ đề nghị Project Ladder rút hỗ trợ nhà ở của cô.

Marie chùn bước. Các nhân viên cảnh sát dẫn cô xuống lầu, nơi các đại diện của Project Ladder đợi. Các phụ trách hỏi cô có bị cưỡng hiếp không. Marie đáp không.

Sau khi rời đồn cảnh sát, Marie biết mọi việc chưa kết thúc ở đây. Còn có một điều cô phải làm. Những phụ trách của Project Ladder nói với Marie nếu cô muốn ở lại với chương trình hỗ trợ – nếu cô còn muốn giữ căn hộ trợ cấp của mình – cô sẽ phải thú nhận việc mình làm với mọi người.

Cuối ngày hôm đó, một cuộc họp được tổ chức tại khu chung cư, tất cả các đồng đẳng viên trong chương trình với Marie ngồi tập trung thành một vòng tròn. Marie, theo chỉ dẫn, nói với mọi người cùng Project Ladder rằng cô đã nói dối về việc mình bị hãm hiếp. Họ không cần phải lo lắng, cô nói với nhóm. Không có ai ngoài kia đã từng làm tổn thương cô và sẽ không ai có thể làm tổn thương họ tiếp theo.

Nếu trong phòng khi đó có chút đồng cảm nào, Marie cảm nhận duy nhất chỉ từ một người, người phụ nữ trẻ ở bên phải cô. Những người còn lại thì lúng túng, sự im lặng dày vò bao trùm.

Sau cuộc họp, Marie đi bộ đến nhà một người bạn. Trên đường đi, cô băng qua một cây cầu. Cô đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống. “Có lẽ đó là lần duy nhất trong đời tôi muốn chết,” cô kể lại. Cô ấy gọi cho một người bạn, van xin, “Làm ơn hãy đến chỗ tớ trước khi tớ làm điều dại dột.” Sau đó, Marie ném điện thoại sang một bên.

Tháng Tám kết thúc với bất ngờ cuối cùng. Marie nhận được một lá thư, thông báo cô bị triệu tập ra trước tòa án. Cô bị buộc tội trình báo sai, hình phạt có thể lên đến một năm tù. Trát đòi hầu toà được ký bởi Thượng sĩ Mason. Sau đó, giấy tờ được chuyển đến một công ty luật nhỏ mà Lynnwood đã thuê để truy tố những kẻ phạm tội.

Đối với Mason, quyết định đệ trát hầu toà không đến từ những tính toán phức tạp gì. Anh chắc chắn Marie đã nói dối. Cảnh sát đã dành rất nhiều nguồn lực để điều tra theo lời nói dối đó. Luật nói rằng lời nói dối của cô là tội. Thực sự, nó chỉ đơn giản là vậy.

Không có số liệu thống kê chính xác tần suất cảnh sát bắt giữ phụ nữ vì tội tố cáo hiếp dâm sai, cũng như tần suất các công tố viên đưa các vụ việc đó ra tòa. Không ai thu thập những dữ liệu này. Nhưng những tổ chức hành pháp hàng đầu vẫn luôn kêu gọi các bên thận trọng khi đệ đơn cho những cáo buộc dạng này. Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế và FBI nhấn mạnh cần phải điều tra hết sức kỹ lưỡng trước khi bác bỏ một trình báo về hiếp dâm. Cảnh sát phải làm hết sức để chứng minh một trình báo là giả, nỗ lực phải tương đương như khi họ chứng minh trình báo đó là thật.

Trên thực tế, nhiều sở cảnh sát chỉ quay lại cáo buộc tội danh đối với phụ nữ báo án hiếp dâm giả trong trường hợp diễn biến cực đoan xảy ra – giả sử, trong một vụ án gây xôn xao dư luận khiến danh tiếng của nghi phạm bị huỷ hoại, hoặc khi cảnh sát đã dốc sức đáng kể các nguồn lực để điều tra. Ngần ngại này xuất phát từ niềm tin rằng đối với tội phạm hiếp dâm, vấn đề lớn nhất không phải là báo án sai, mà là không báo án. Chỉ khoảng một phần năm đến một phần ba các vụ hãm hiếp được trình báo với cảnh sát, như các nghiên cứu phạm vi quốc gia đã chỉ ra. Một lý do là phụ nữ sợ cảnh sát sẽ không tin họ.

Vài ngày sau khi báo cảnh sát mình bị cưỡng hiếp, Marie đã bỏ công việc tại Costco, cô không thể cứ đứng ở quầy hàng, trân trân nhìn mọi người qua lại, đầu óc lạc đến tận đâu. Giờ đây, những mất mát của cô bắt đầu chất chồng.

Project Ladder ra giờ giới nghiêm với Marie, là 9 giờ tối, và nhân đôi số lần cô phải trình diện với nhân viên phụ trách.

Báo chí bắt đầu đưa tin về việc Marie bị buộc tội, dù không nêu tên cô. (Tít của tờ Seattle Post-Intellectencer ghi, “Cảnh sát: Báo án hiếp dâm ở Lynnwood là một trò lừa bịp.”) Bạn thân nhất từ hồi trung học – người bạn đã dạy cô về nhiếp ảnh và đã chụp bức ảnh Marie hất tóc trong làn nước – đã tạo một trang web để vạch mặt Marie là kẻ nói dối, với một bức ảnh lấy từ trang Myspace của Marie, đăng cùng với các báo cáo của cảnh sát ghi tên họ đầy đủ của Marie. Khi nghe tin về trang web, Marie trở nên điên cuồng, đập phá căn hộ của mình.

Marie dừng đi nhà thờ. “Tôi đã rất tức giận với Chúa,” cô nói. Cô chẳng còn hứng thú với nhiếp ảnh. Cô sợ phải ra ngoài. “Có một đêm tôi đã cố gắng tự mình đi bộ đến cửa hàng và cảm thấy như mình bị ảo giác về một kẻ nào đó đi theo mình,” cô nhớ lại. “Cảm giác đó làm tôi hoảng sợ. Tôi thậm chí chưa đi xa nổi nửa dặm khỏi nhà. Tôi đã phải chạy về nhà.” Ở nhà, cô tránh căn phòng ngủ, chọn ngủ trên chiếc ghế dài, đèn luôn để sáng.

“Tôi đã rơi vào một lỗ đen,” cô nói.

Lòng tự trọng nhường chỗ cho sự ghê tởm bản thân. Cô bắt đầu hút thuốc, uống rượu, tăng cân.

Đối với Marie, đây là một lối mòn quen thuộc, là vết xe cô nhớ đã trượt dài từ những năm tháng bị lạm dụng khi còn bé, đến những năm ở nhà nuôi tạm, chuyển từ nhà này sang nhà khác, trường này sang trường khác. Sập nguồn tất cả. Nén nó vào trong. Cứ cư xử như chưa hề có chuyện tồi tệ gì từng xảy ra, như chưa hề có chuyện gì ảnh hưởng đến mình. Bởi cô thèm khát cuộc sống bình thường, nên cô sẽ chôn vùi những đau thương này.

Cả Peggy và Shannon đều không bỏ rơi cô, nhưng mọi thứ không còn như trước. Marie biết rằng cả hai ngay từ đầu đã nghi ngờ câu chuyện của cô, trước cả khi cảnh sát nghi ngờ cô.

Đối với Marie, mái nhà của Shannon lâu nay vốn cho cô một lối thoát, một chốn nương náu. Marie và Shannon sẽ đi dạo trong rừng, hoặc đi bơi thuyền, sau đó, vào cuối ngày, cô sẽ ngủ lại trên salon nhà Shannon. Giờ đây, chồng của Shannon sợ mình có thể bị đổ tội oan, thành nạn nhân của một vụ báo án giả nào đó, ông quyết định tốt nhất là không để Marie qua đêm ở nhà mình nữa. “Khi bạn quyết định trở thành cha mẹ nuôi, bạn sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần với khả năng này,” Shannon nói.

Shannon có trọng trách phải báo với Marie quyết định này. Bà như tan nát cõi lòng khi phải nói chuyện với cô. Marie tan nát cõi lòng khi phải nghe nó.

Đầu tháng 10, chưa đầy hai tháng sau khi Marie bị buộc tội báo án sai, một phụ nữ 63 tuổi báo cảnh sát mình bị cưỡng hiếp trong chung cư ở Kirkland, phía đông Seattle. Kẻ lạ mặt đeo găng tay. Hắn cầm một con dao. Hắn trói người phụ nữ lại – bằng dây giày của chính bà. Hắn chụp ảnh và đe dọa sẽ đăng chúng lên mạng. Trong hai hoặc ba tháng trước đó, người phụ nữ kể với cảnh sát, bà luôn có cảm giác như đang bị ai đó theo dõi.

Shannon nghe tin về cuộc tấn công trên TV và chợt giật mình. Cha bà là cảnh sát trưởng ở Kent, phía nam Seattle. Bà lớn lên cùng cảnh sát, luôn tin cảnh sát, và biết cách thức làm việc của cảnh sát. Bà mở máy tính, tra cứu số điện thoại và gọi – ngay lập tức – để kể với cảnh sát ở Kirkland về câu chuyện của Marie, báo với họ về tất cả những điều trùng hợp.

Shannon gọi cho Marie và đề nghị cô cũng liên lạc với cảnh sát Kirkland. Marie đã không bao giờ gọi.

“Tôi đã quá sợ hãi,” Marie nhớ lại. Cô đã trải qua quá nhiều rắc rối rồi. Cô không thể tự đến gặp cảnh sát một lần nữa và nói thêm được bất cứ lời nào. Nhưng cô đã lên mạng và tìm thông tin về vụ tấn công người phụ nữ ở Kirkland. Khi đọc câu chuyện, cô đã khóc.

Một điều tra viên ở Kirkland cuối cùng đã gọi lại cho Shannon. Nghe theo gợi ý của Shannon, các điều tra viên của Kirkland đã liên hệ với đồng nghiệp ở Lynnwood và được cho biết nạn nhân ở đây chẳng là nạn nhân của vụ cưỡng hiếp nào, câu chuyện đó là hoàn toàn bịa đặt.

Trong đội điều tra vụ Kirkland có Audra Weber. Chị nhớ mình đã gọi cho các điều tra viên bên Lynnwood hai lần và được cho biết họ không tin lời khai của Marie. “Tôi khá tin tưởng vào kết luận của họ, vì đó là vụ họ thụ lý, họ biết tất cả chi tiết còn tôi thì không,” Weber nói. Nhưng cô nhớ mình đã “khá là sốc” khi nghe tin họ đã buộc tội Marie. Cô bỏ qua đầu mối này và cúp máy, nghĩ, “Được rồi, tôi hy vọng chuyện này sẽ ổn thoả với các vị.”

 

NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 2011

LAKEWOOD, COLORADO

Vào 8:15 sáng, Galbraith gõ cửa nhà O’Leary.

“Cảnh sát đây. Chúng tôi có lệnh khám xét. Mở cửa ra,” chị liên tục la lớn. Bảy cảnh sát đứng sau lưng chị, áp sát ngôi nhà, súng sẵn trên tay.

Một chốc, O’Leary mở cửa. Anh ta tỏ vẻ bối rối và sốc khi bước ra ngoài vạt nắng mùa đông chói chang. Hai con chó, một con pitbull nhỏ và một giống Shar-Pei, lao ra và ngã trước mặt anh ta. Anh ta mặc một chiếc áo hoodie màu xám, quần thun màu xám rộng thùng thình và những chiếc giày sục màu xám. Anh ở nhà một mình.

Galbraith kéo anh ta sang một bên và ghì người xuống. Chị chộp lấy chân anh, kéo ống quần lên nhìn.

Ở đó, trên bắp chân trái của O’Leary: một vết bớt sẫm màu kích thước của một quả trứng gà lớn.

Chính là hắn. Chính là kẻ hiếp dâm. Galbraith giơ nhanh ngón cái ra hiệu cho đồng đội.

Khi một đặc vụ FBI lên đối chất, O’Leary ngay lập tức yêu cầu quyền gọi luật sư của mình. Galbraith lách mình đứng đằng sau O’Leary. Vào 8:35 phút, chị còng tay hắn ta. “Anh đã bị bắt vì tội trộm cắp và tấn công tình dục Thành phố Golden vào ngày 5 tháng 1 năm 2011,” chị nói với hắn. O’Leary được đưa vào một chiếc xe tuần tra và chuyển đến Nhà tù Hạt Jefferson.

Ngày hôm đó chị đã đi một đôi giày mới. Từ giờ trở đi, bất cứ khi nào chị nhìn xuống chúng, chị sẽ nhớ khoảnh khắc mình bắt được O’Leary. Đối với Galbraith, việc tự tay thực hiện bắt giữ hắn có ý nghĩa rất lớn. “Tôi đã luôn muốn nhìn vẻ mặt của hắn khi ấy,” chị nói. “Và để hắn biết rằng chúng tôi đã tóm được hắn.”

Lục soát ngôi nhà, các điều tra viên xác thực nghi ngờ của mình. Họ đã tìm thấy một đôi giày Adidas ZX 700 trong tủ quần áo của O’Leary. Đế giày khớp với dấu chân trong tuyết ở Golden và bên ngoài cửa sổ ở Lakewood. Họ đã phát hiện ra một đôi găng tay Under Armour có hoa văn tổ ong. Trong phòng tắm là một chiếc khăn trùm đầu màu đen, được cột lại để làm mặt nạ.

“Hắn từng là quân nhân – nên hắn rất ngăn nắp,” Galbraith nói. “Đó là căn nhà sạch sẽ nhất mà tôi từng lục soát. Nó ngăn nắp đến mức chúng tôi suýt thốt lên, ‘Ôi, cảm ơn Chúa.’”

evidence-1800_2397-02149e

[ẢNH] Bằng chứng: Cảnh sát tìm thấy các dây buộc, máy ảnh Sony Cyber-shot màu hồng, giày Adidas và ba lô lớn trong nhà của O’Leary – tất cả đều khớp với báo cáo tìm kiếm của các điều tra viên và mô tả nạn nhân. (Cục cảnh sát Golden)

Lời khai của các nạn nhân cũng đã được xác minh. Hầu hết đều mô tả một người đàn ông da trắng có đôi mắt màu xanh hoặc màu lục nhạt, cao khoảng hơn mét tám, nặng khoảng gần 100kg. Họ kể về việc bị trói. Họ đề cập rằng hắn ta đã đánh cắp đồ lót của họ. Trong nhà của O’Leary, các nhà điều tra đã tìm ra một khẩu súng lục Ruger cỡ nòng 380, một máy ảnh Sony Cyber-shot màu hồng và một chiếc ba lô lớn, cùng với khăn ướt và lọ bôi trơn. Giấu bên trong một giàn loa trong tủ quần áo của hắn, các điều tra viên tìm thấy một bộ sưu tập đồ lót của phụ nữ. Những chiến lợi phẩm.

Tối hôm đó, Hendershot lái xe đến để báo tin cho nạn nhân của cô, góa phụ 59 tuổi ở Westminster. Người phụ nữ đã mất chồng vì căn bệnh ung thư năm trước. Bà không có người thân gần đó. Bà vẫn đang vật lộn cố thoát khỏi những đau đớn tinh thần và thể xác mà bà phải chịu đựng từ cuộc tấn công. Hendershot hẹn gặp bà tại một nhà hàng Denny. Chị bắt gặp bà ngồi ở một góc sau, lặng lẽ ăn một mình.

“Tôi bước vào, bà ấy cực kỳ mừng rỡ khi thấy tôi, rồi tôi báo tin cho bà ấy. Tôi vẫn còn nổi da gà khi nhớ về khoảnh khắc đó, đến tận bây giờ,” Hendershot nói. “Tôi đã nói với bà ấy, rằng ‘Mọi chuyện đã kết thúc rồi. Tất cả đã qua rồi. Chúng tôi bắt được hắn.'”

Đầu tháng 3, một chuyên gia máy tính đã bẻ khóa thành công các tệp tin mà O’Leary đã lưu trữ trong ổ cứng của hắn. Anh tìm thấy một thư mục có tên “các cô gái” – và những bức ảnh mà O’Leary đã chụp các nạn nhân của mình ở Golden và Westminster. Nhìn chúng, Galbraith nhận ra họ.

Nhưng rồi Galbraith chợt thấy một bức ảnh chụp một người phụ nữ mà chị không xác định được. Một cô gái trẻ – trẻ hơn nhiều so với các nạn nhân ở Colorado, có lẽ ở tầm tuổi teen. Trong những bức ảnh, cô trông hoảng loạn, tay chân bị trói và bịt miệng trên giường. Galbraith cảm thấy buồn nôn. Làm sao để chị xác định cô gái này đây? Làm thế nào để chị có thể tìm công lý cho cô?

Sau khi xem qua những bức hình, chị tìm thấy câu trả lời. Đó là một bức ảnh chụp giấy phép lái xe tạm cho người tập lái của cô gái, nó được đặt trên ngực cô. Nó có ghi tên của cô. Và nó có cả địa chỉ của cô ấy.

Ở Lynnwood, Washington.

 

NGÀY 11 THÁNG 8 NĂM 2008

LYNNWOOD, WASHINGTON

Hắn đến nơi trước khi trời rạng sáng, sau đó kiên nhẫn đợi bên ngoài căn hộ của cô, bên ngoài phòng ngủ của cô, nghe cô nói chuyện điện thoại, chờ cô ngủ thiếp đi.

Đó là một đêm trời khô tạnh, cho phép hắn yên tâm giấu mình. Bức tường mỏng, cho phép nghe thấy giọng cô. Một vài lần hắn rời vị trí ẩn nấp, nhưng chỉ một lúc, vì sợ có người phát hiện hắn lẩn quẩn mờ ám quanh nhà.

Hắn thích cây cối, vì bóng um tùm của chúng giúp hắn che thân, mà Chung cư Alderbrooke này lại có rất nhiều cây. Căn hộ chung cư không cho không gian riêng tư tốt như một ngôi nhà, nhưng chúng vẫn cho những lợi thế nhất định. Ví như tất cả những cửa sổ kia. Và cả những cánh cửa kính trượt – dễ mở đến nực cười, khi chúng không được khóa, mà thường không ai khoá chúng cả.

Cô không phải gu của hắn, không hẳn vậy. Hắn đã nhận ra điều này tư trước khi nhìn lén vào phòng ngủ của cô. Nhưng hắn đã dành quá nhiều thời gian để đi săn (đó là cách hắn gọi, đi săn), hàng trăm giờ, thậm chí có thể là cả ngàn, hắn đã tự điều chỉnh lại để nhét càng nhiều phụ nữ càng tốt, dù trẻ hay già, vào những ảo tưởng tình dục của hắn.

Bằng cách này, công sức của hắn sẽ không bị lãng phí.

Trước đó hắn đã từng rình mò và trước đó hắn cũng đã từng đột nhập vào nhà nhiều phụ nữ, nhưng những gì xảy ra sau đó lại là chuyện khác. Hắn đã học được từ những thất bại trong quá khứ – một lần, có một gã đã bước đến xen ngang khi hắn đang đứng đợi, đeo sẵn mặt nạ, bên ngoài cửa phòng ngủ của một phụ nữ mà hắn định cưỡng hiếp – vì vậy, bây giờ, hắn phải quan sát trước một cách hết sức tỉ mỉ: nhìn trộm qua cửa sổ, đột nhập vào nhà trước, thu thập thông tin. Vài năm sau đó, các điều tra viên sẽ tìm thấy những ghi chú trên điện thoại di động của hắn, trong đó tỉ mẩn liệt kê lại những chi tiết khi theo dõi một mục tiêu khác (theo cách gọi của hắn), ghi chép cô đang ngồi ở phòng nào và khi nào, đèn tắt hay bật, cửa sổ và rèm được mở hay đóng, bạn trai của cô có ở đó hay không. “Btrai mặc đồ ngủ, game over” hắn viết trong ghi chú một đêm nọ.

Hắn sẽ sục sạo tài liệu cá nhân của mục tiêu. Hắn sẽ ghi nhớ ngày sinh của cô và biển số xe. Hắn sẽ xem cô ấy xem TV. Và vào lúc cuộc đi săn kết thúc, trước khi hắn thực hiện hành vi tội ác, hắn sẽ đi qua nhà một lượt cuối, hay như cách hắn gọi “thao duyệt trước trận chiến”, để đảm bảo không có bất kỳ vũ khí nào trong tầm với của mục tiêu.

Ngay trước khi mặt trời mọc, hắn nghe thấy cuộc trò chuyện điện thoại kết thúc. Hắn đợi thêm một lúc nữa, để bầu không khí im lặng trải dài, rồi trèo qua lan can và lách mình qua cánh cửa kính trượt không khóa. Trong khoảng nửa giờ tiếp theo, khi cô đang ngủ say, hắn chuẩn bị sẵn sàng trong khi tự nhẩm về cách bước tiếp theo.

Hắn nhắm đến cô từ vài tuần trước, qua cửa sổ, trong khi rình rập bên ngoài căn hộ của cô. Kể từ hôm đó, hắn đã đột nhập vào căn hộ hai lần, cả hai lần đều qua cùng một cánh cửa kính trượt đó.

Hắn tự nghĩ ra một thuật ngữ cho những gì mình sắp làm: vở kịch cưỡng hiếp. Những ảo tưởng méo mó đã thâm nhập vào đầu hắn từ khi hắn còn là một đứa trẻ, khi xem tên trùm Jabba người Hutt bắt và xích công chúa Leia làm nô lệ. “Mày sẽ đi đây khi mới 5 tuổi mày đã nghĩ về những cái còng tay? hắn sẽ tự hỏi mình. Hắn ta chỉ mới 8 tuổi khi lần đầu tiên đột nhập vào nhà người khác. Thật vội vàng. Kể từ lần đó, hắn đã đột nhập vào hơn chục căn nhà.

Bây giờ hắn đã 30 tuổi, một cựu quân nhân – lính bộ binh, hai lần phục vụ ở Hàn Quốc – đã đăng ký nhập ngũ vào Lục binh, chỉ có điều hắn không được tham gia làm nhiệm vụ trong nhiều tháng.

Trong bếp, hắn đi đến hộp cắm dao và lấy ra một lưỡi dao cán đen từ hàng trên cùng, bên trái.

Trong phòng khách, hắn tháo dây giày ra khỏi đôi giày tennis màu đen của cô và đặt đôi giày lại chỗ cũ. Một điều tra viên sau đó đã viết trong báo cáo, “Những đôi giày nằm cạnh nhau phía cuối chiếc ghế dài và cửa phòng ngủ, ngay ngắm như thể chúng được đặt ở đó (không bị xáo trộn).”

Hắn vốn quen thói gọn gàng và ngăn nắp, theo cách hắn làm với mọi thứ.

Hắn ta luồn một dây giày qua một chiếc quần lót.

Rồi hắn bước về phía phòng ngủ.

Khoảng 7 giờ sáng, hắn đứng trên lối đi trong phòng ngủ của cô, tay trái giơ lên, tầm ngang vai, một con dao.

Hắn nhìn cô tỉnh dậy.

Quay đi, hắn nói với Marie – và cô đã làm theo. Lăn úp lưng, hắn nói với cô. Cô làm theo – và sau đó hắn ấy leo lên người cô, đặt con dao gần mặt cô ấy.

Đưa tay ra sau lưng, hắn nói với cô. Cô ấy làm theo. Hắn trói cổ tay cô lại và bịt mắt cô. Hắn nhét miếng vải vào miệng cô để cô không kêu lên được bất kỳ âm thanh nào.

Cuộc trò chuyện thú vị đấy, hắn nói, để cô biết rằng hắn đã ở đó, lắng nghe, chờ đợi.

Mày khôn hồn nên khóa cánh cửa kia lại, hắn nói với cô.

Quay người lại, hắn ra lệnh với cô – và cô làm theo, và sau đó hắn cưỡng hiếp cô, và trong khi hắn cưỡng hiếp cô, hắn ta luồn đôi tay đeo găng dọc người cô.

Hắn đặt giấy phép lái xe tạm của cô lên ngực và chụp ảnh, hắn chụp cô nhiều tấm khác.

Khi kết thúc, hắn nói rằng nếu cô báo cảnh sát, hắn sẽ đăng những bức ảnh này lên mạng để sau này con cháu cô, khi cô có con, nhìn thấy.

Hắn lấy khăn bịt miệng và gỡ bịt mắt ra, bắt cô nhìn theo hướng khác và giữ yên đầu trong gối.

Một trong những lời cuối cùng hắn nói với cô là hắn xin lỗi. Hắn nói hắn cảm thấy ngu ngốc, rằng chuyện này theo tưởng tượng trong đầu hắn ấy tốt hơn nhiều.

Hắn rời khỏi phòng, và đi đến cửa trước, và biến mất.

 

[AUDIO] Câu chuyện của Marie, theo lời của cô ấy. Đoạn audio chứa chi tiết gây sốc và rùng rợn, nhưng cô nói với chúng tôi mọi người nên nghe nó. Cảnh báo: nó có thể gây khó chịu cho người nghe.

LẮNG NGHE MARIE TẠI ĐÂY

PHẦN KẾT

O’Leary đã nhận tội với 28 cáo buộc hiếp dâm và những tội liên quan ở Colorado. Vào ngày 9 tháng 12 năm 2011, gần một năm sau khi bị bắt, O’Leary đã bị kết án 327 năm tù vì các vụ tấn công ở Colorado – mức án tối đa pháp luật cho phép. Hắn hiện đang thụ án ở trong Cơ sở cải huấn Sterling giữa một vùng đất cằn cỗi, hẻo lánh phía đông bắc Colorado. Hắn sẽ không bao giờ được thả ra.

Trong một cuộc thẩm vấn lấy lời khai với cảnh sát sau khi bị kết án, O’Leary đã kể lại các cuộc tấn công của mình một cách chi tiết. Hắn mô tả cảm giác sau khi hãm hiếp một nạn nhân lớn tuổi. “Như thể tôi vừa mới ăn bữa tối Lễ Tạ ơn,” hắn nói.

Hắn tiết lộ một số bài học cho đội ngũ hành pháp. Hắn khoe khoang những biện pháp đối phó mà hắn đã dùng để tránh bị bắt. Hắn biết Quân đội có giữ mẫu DNA của mình. Vì vậy, hắn đã làm các bước để tránh bỏ sót bất kỳ dấu vết gen nào. Hắn cũng nhận ra các sở cảnh sát thường không liên kết với nhau. Vì vậy, hắn cố tình phạm tội mỗi vụ ở một khu vực khác nhau.

Năm cuộc tấn công khác – một ở Washington, bốn ở Colorado – tất cả đều diễn ra sau cuộc tấn công vào Marie.

“Nếu cảnh sát Washington lưu ý hơn một chút, tôi có thể đã là đối tượng tình nghi sớm hơn,” O’Leary nói.

 


Điều tra từ Colorado, Galbraith không chỉ kết nối O’Leary với vụ cưỡng hiếp ở Lynnwood, Washington, mà còn với vụ cưỡng hiếp ở Kirkland gần đó. Chị đã kết nối các vụ việc bằng cách hợp tác với một nhà phân tích tội phạm của tiểu bang Washington để tìm kiếm cơ sở dữ liệu về các vụ án chưa được giải quyết, có tính chất tương tự như tội ác của O’Leary. Sau đó, cô tìm thấy tên nạn nhân vụ Kirkland trên máy tính của O’Leary, được đính kèm với một tệp được mã hóa.

O’Leary đã nhận tội cả hai vụ án ở Washington. Vào tháng 6 năm 2012, hắn ta bị kết án 40 năm vì tội hiếp dâm ở Kirkland và 28 năm rưỡi vì tội hiếp dâm Marie ở Lynnwood.

 


Sau khi O’Leary được nối đến vụ hiếp dâm của Marie, Cảnh sát trưởng Lynnwood Steven Jensen đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập từ đơn vị bên ngoài về cách cục cảnh sát của mình xử lý cuộc điều tra này. Trong một báo cáo chưa được công bố trước đây, Thượng sĩ Gregg Rinta, một giám sát viên tội phạm tình dục của Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Snohomish, đã viết những gì xảy ra “được xác định là nạn nhân bị ép buộc thừa nhận mình đã nói dối về vụ cưỡng hiếp.”

oleary-mugshot-640_480-2566de

[ẢNH] Marc O’Leary: O’Leary bị giam trong một nhà tù ở vùng đông bắc Colorado xa xôi. (Colorado Department of Corrections)

Việc Marie nghe lời, rút lại lời khai không có gì đáng ngạc nhiên, Rinta đã viết, trước những hình thức “bắt nạt” và “thúc ép” mà cô phải chịu. Các điều tra viên đã phóng đại “những chênh lệch nhỏ” trong lời khai – vốn thường gặp ở các nạn nhân – thành sự thiếu đồng nhất trong câu chuyện, trong khi bỏ qua bằng chứng rõ ràng về tội ác đã xảy ra. Về lời đe dọa tống giam và nguy cơ rút hỗ trợ nhà ở nếu Marie thất bại trong bài kiểm tra nói dối: “Những lời lẽ này mang tính chất cưỡng ép, tàn nhẫn và thiếu chuyên nghiệp đến mức không thể tin được,” chuyên gia Rinta viết. “Tôi không thể tưởng tượng được BẤT KỲ lý do chính đáng nào để bao biện cho những lời lẽ này.”

Jensen cũng đã ra lệnh cho một cuộc điều tra nội bộ, cũng cho những kết luận chê trách tương tự. Phán đoán và kết luận của Mason đã chịu xoay chuyển qua mức từ một cuộc gọi của Peggy. Cuộc thẩm vấn thứ hai của hai điều tra viên với Marie “được thiết kế chỉ với mục đích rút ra lời thú nhận về báo án sai.” Cáo buộc báo án sai đã được đưa ra từ một “kết luận chủ quan vội vàng”.

Bất chấp ngôn ngữ gay gắt ghi trong các kết luận đánh giá, không ai trong Sở Cảnh sát Lynnwood bị kỷ luật.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Steve Rider, chỉ huy hiện tại của Phòng điều tra tội phạm của Lynnwood, đã gọi trường hợp của Marie là một “thất bại lớn to”, khiến các thành viên của sở cảm thấy ân hận sâu sắc: “Sau khi biết những gì cô ấy đã trải qua từ cuộc tấn công tàn bạo đó – và sau đó chúng tôi lại nói với cô ấy rằng cô đang nói dối? Đó là một điều tồi tệ. Tất cả chúng tôi đều tham gia lực lượng, làm công việc này để giúp đỡ mọi người, chứ không phải không làm tổn thương họ.” Thượng sĩ của Lynnwood Rodney Cohnheim nói về Marie, “Cô ấy đã bị hại đến hai lần.”

ThS. Mason giờ đây quay lại công việc điều tra ma túy, phụ trách một đội đặc nhiệm. Trả lời phỏng vấn trong cùng một căn phòng anh đã chất vấn Marie bảy năm về trước, anh nói: “Đúng là cô ấy không có nhiệm vụ phải cố gắng thuyết phục tôi tin cô ấy. Giờ nhìn lại, đó là nhiệm vụ của tôi, đi đến tận cùng của sự việc- và tôi đã không làm điều đó.”

Vụ việc của Marie đã dẫn đến những thay đổi trong thực tiễn và tư tưởng, Rider nói. Các điều tra viên được đào tạo bổ sung về nạn nhân án hiếp dâm. Nạn nhân án hiếp dâm sẽ được nhận hỗ trợ ngay lập tức từ đội ngũ bảo vệ quyền tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương. Các nhà điều tra phải có “bằng chứng rõ ràng” về việc nói dối trước khi nghi ngờ một báo án hiếp dâm của ai đó, và một cáo buộc báo án sai phải được xem xét ở các cấp cao hơn. “Chúng tôi đã học được rất nhiều bài học từ chuyện này. Và chúng tôi không muốn thấy chuyện tương tự xảy ra với bất cứ một người nào nữa,” Rider nói.

Rittgarn đã rời Sở cảnh sát Lynnwood trước khi O’Leary bị bắt. Anh đã từ chối phỏng vấn cho bài viết này. Zachor & Thomas, văn phòng luật sư đại diện sở cảnh sát Lynnwood xử lý việc truy tố án giả của Marie cũng vậy.

Năm 2008, trường hợp của Marie là một trong bốn trường hợp được cảnh sát Lynnwood xết loại vô căn cứ, theo số liệu thống kê được báo cáo cho FBI. Trong 5 năm từ 2008 đến 2012, sở đã xác định 10 trong số 47 vụ hãm hiếp được báo cho cảnh sát Lynnwood là không có cơ sở – chiếm 21,3%. Tức là cao gấp năm lần so với mức trung bình cả nước (4,3%) đối với các đơn vị cảnh sát phụ trách vùng dân số tương tự trong cùng thời kỳ đó. Rider cho biết kể từ vụ của Marie, cơ quan của ông đã trở nên thận trọng hơn trong việc xếp loại cho một vụ án nào đó là vô căn cứ. “Tôi dám liều khẳng định rằng chúng tôi giờ đây điều tra các vụ án của mình quyết liệt hơn nhiều so với nhiều sở cảnh sát khác,” ông nói. “Bây giờ, chúng tôi hết sức cẩn thận để chắc chắn mình đóng một vụ án một cách xác đáng.”

 


Hai năm rưỡi sau khi Marie bị kết tội là kẻ nói dối, cảnh sát Lynnwood đã tìm thấy cô, sống ở phía nam Seattle, và báo với cô tin tức: Kẻ cưỡng hiếp cô đã bị bắt ở Colorado. Họ đưa cho cô một phong bì tài liệu tư vấn cho nạn nhân bị cưỡng hiếp. Họ nói rằng hồ sơ tiền án của cô sẽ bị huỷ. Và họ đã đưa cho cô 500 đô la, mức tiền hoàn trả án phí của cô. Marie suy sụp, trải nghiệm, tất cả cùng một lúc, cảm giác bị sốc nặng, rồi nhẹ nhõm và tức giận.

Sau đó, Shannon đưa Marie đi dạo trong rừng và nói với cô, “Mẹ rất xin lỗi vì đã nghi ngờ con.” Marie đã tha thứ, ngay lập tức. Peggy cũng vậy, xin lỗi cô. Bây giờ bà ước giá như mình chưa bao giờ chia sẻ những nghi ngờ với cảnh sát. “Vì giờ tôi cảm thấy nếu hồi đó mình ngậm miệng lại, cảnh sát có lẽ đã hoàn thành công việc của mình,” bà nói.

Marie đã kiện thành phố và chấp nhận hoà giải với mức bồi thường $150,000. “Một quyết định đã được đưa ra sau khi cân nhắc những rủi ro,” một luật sư của Lynnwood trả lời tờ The Herald ở Everett, Washington.

Marie rời khỏi bang mình sống, thi lấy bằng lái xe thương mại và nhận công việc lái xe tải đường dài. Cô đã kết hôn, và vào tháng 10 này, cô và chồng chào đón đứa con thứ hai. Cô yêu cầu địa chỉ hiện tại của mình không được tiết lộ.

Trước khi rời Washington để bắt đầu cuộc sống mới, Marie đã hẹn lịch đến thăm đồn cảnh sát Lynnwood. Cô vào một phòng họp và ngồi chờ đợi. Rittgarn lúc này đã rời khỏi sở, nhưng Mason đã bước vào, trông “giống như một chú chó con bị lạc,” Marie kể lại. “Anh ta gãi đầu gãi tai và thực sự trông như thể anh ta xấu hổ về những gì họ đã làm.” Anh nói với Marie mình cảm thấy có lỗi – “hết sức có lỗi,” Marie nói. Theo Marie cảm nhận, anh ta có vẻ chân thành.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, Marie được hỏi liệu cô bao giờ hối hận việc báo cảnh sát mình bị cưỡng hiếp hay không.

“Không,” cô nói. Cô đã muốn thành thật với họ. Cô đã muốn nhớ mọi thứ. Cô muốn giúp cảnh sát.

“Có như vậy sẽ không còn ai khác bị hãm hại,” cô nói. “Có như vậy, cảnh sát mới ra ngoài kia và tìm bắt kẻ đã làm chuyện này với tôi.”

 

Tác giả:

  1. Christian Miller tham gia ProPublica năm 2008 với tư cách là một phóng viên cấp cao. Trước đó ông đã làm phóng viên cho Thời báo Los Angeles 11 năm. Công việc của ông bao gồm giám sát đưa tin về của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 và ba năm làm giám đốc văn phòng của Thời báo, phụ trách 10 quốc gia ở Nam và Trung Mỹ.
  2. Ken Armstrong là một phóng viên điều tra từng đoạt giải Pulitzer, ông trước đây làm việc cho tờ Seattle Times và Chicago Tribune. Các bài viết của ông đã thúc đẩy thống đốc bang Illinois đình chỉ các vụ hành quyết và sau đó phế bỏ án tử. Ông là Giáo sư môn Viết tại trường Princeton và là Nieman Fellow tại Harvard.

Minh họa bởi Wesley Allsbrook. Nhiếp ảnh của Benjamin Rasmussen. Thiết kế và sản xuất bởi Rob Weychert và David Sleight cho ProPublica, Andy Rossback và Lisa Iaboni cho Dự án Marshall.

Standard
Only Me on Facebook, Things I set Only Me on Facebook

thâm tâm

Mấy nay chả hiểu sao đầu cứ lảng vảng mớ câu này, chắc là do tác giả gieo bằng trắc lạ quá, đọc như cứa vào óc.

“Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.”

Nhờ Thế Lữ, Huy Cận và Lưu Trọng Lư mà mình cảm được cái thánh thót đa đoan của Tiếng Việt: đọc thơ mà nghe như nhạc. Cơ mà phải đến Thâm Tâm dạy mình hiểu được không phải cứ thanh bằng trầm trầm mới là buồn: trắc gieo vào nghe cũng xót lắm.

Vẽ cảnh sầu não bằng ánh sáng chói chang giữa nền không khí trong tươi. Phả cái sự cầu kỳ hùng vĩ của thơ Đường vào một bài thơ dùng toàn chữ Nôm đơn giản. Bài Tống biệt hành nó đối lập như người miệng vừa cười hềnh hệch ngạo mạn, tay vừa rót rượu, mà da quanh mắt xô co, nhăn nhúm sắp khóc.

Nãy google thử mấy bài phân tích Tống Biệt Hành, mới biết thật ra bản gốc debut trên báo còn bốn câu nữa mới đúng là câu kết. Hoài Thanh đang tay cắt mất khi cho vào Thi nhân.

[Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.]

*Hơi thu đầu núi giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Buồn ở lưng trời nghe đã lại
Tiếng đời xô động tiếng lòng câm.*

Hoài Thanh chắc có tâm muốn kết bài thật hùng tráng như là cảnh cuối phim dã sử: thuyền chở anh hùng đi vào hoàng hôn rực rỡ, dàn nhạc chơi soundtrack nốt cao ngất óng ả. Rồi tối sộc. Rồi cắt cụt. Rồi lên credit tên tác giả.

Giờ sau bốn phần năm thế kỷ mới mò đọc được mấy câu kết thực, cảm giác như là đang xem cảnh after credit: Sau khi roll hết lời cảm ơn, tên nhà tài trợ hãng phim/thơ…, thì hiện ra vẫn thuyền anh hùng, lặng lẽ chèo òm ọp trong nền sông nhập nhoạng và sương lan. Cuối cùng, chẳng mấy sau thì cái lưng xanh thẫm cô đơn của anh hùng cũng khuất mất. Và trời vào đêm.

#antiXuânDiệu #EyerollingatDiệu

P.S.: Nãy va phải bản chép “Tiếng đời xô động tiếng hờn căm.” Thực nồng mùi mà ai cũng biết là mùi gì đấy.

Mong là chép láo.

Mong là chép láo.

 

Photo của Pixabay.

Standard